Thời gian gần đây, bệnh nhân (BN) dị ứng thuốc vào điều trị tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (BV Bạch Mai) có xu hướng tăng lên. PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn – GĐ Trung tâm – cho hay, dị ứng thuốc chiếm đến ¼ trong tổng số các phản ứng có hại do thuốc.
BN bị hội chứng Stevens Johnson do dị ứng thuốc
Toàn thân lở loét
BN Nguyễn Văn Thân, 68 tuổi (quê Yên Phong, Bắc Ninh) nằm điều trị tại khu A của Trung tâm Dị ứng đã gần một tuần nay, nhưng bệnh tình vẫn chưa thuyên giảm. Người nhà BN cho biết, ông Thân vốn bị bệnh đau khớp, điều trị tại BV tuyến dưới theo thuốc kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, dùng thuốc được vài ngày thì BN có dấu hiệu “say thuốc” sau khi uống, choáng váng không đi lại được. Cứ thế, tình trạng bệnh diễn tiến xấu dần. Đến ngày 5.10, BN nhập viện vào Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng trong tình trạng ban đỏ toàn thân, miệng lở loét. Chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ cho biết, nhiều khả năng BN bị hội chứng Stevens Johnson do thuốc.
Theo các bác sĩ, BN bị hội chứng Stevens Johnson thường do dị ứng các loại thuốc như Sulfamide, Carbamazepine hoặc nhiễm siêu vi hoặc vi trùng. Ban đầu thường gây tổn thương da và niêm mạc; biến chứng thường gặp là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải.
Ngoài ra, BN điều trị bệnh gout cũng rất dễ dị ứng với Allopurinol, thuốc làm giảm acid uric cho BN gout. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng hiện cũng đang điều trị cho khá nhiều trường hợp dị ứng với Allopurinol. Đáng lo là một số ca bệnh cho biết, họ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc này mà không rõ lý do?
BN Nguyễn Quý Thể, 74 tuổi (Lạng Giang, Bắc Giang) nhập viện với nhiều vết lở loét ở miệng, bong tróc da. BN cho biết, một tháng trước đó BN được chỉ định dùng Allopurinol mà không hề biết lý do. Sau đó, càng uống thuốc càng thấy xuất hiện các tổn thương, da bong vảy khắp mặt, tay, thân, loét miệng…
Tương tự, BN Nguyễn Hoàng Minh, 37 tuổi (Từ Liêm, HN), trước khi nhập viện cũng được kê đơn dùng Allopurinol, Colicine. Sau 12 ngày dùng, cơ thể xuất hiện ban mẩn ngứa toàn thân, BN sốt 39 độ C, loét miệng, họng… và được bác sĩ chẩn đoán BN dị ứng thuốc.
Thuốc kê đúng liều, đúng lượng vẫn gây dị ứng
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Đoàn – GĐ Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng- dị ứng thuốc chiếm đến ¼ trong tổng số các phản ứng có hại do thuốc. Đáng nói là BN khi uống đúng thuốc, đúng liều – thậm chí thuốc điều trị đặc hiệu – vẫn có thể gây dị ứng. Trước thực tế này, TS Đoàn cho rằng, cần thiết phải khai thác tiền sử BN trước khi kê đơn, kể cả yếu tố di truyền vì dị ứng thuốc rất khó lường.
BN có thể dị ứng với bất kỳ thuốc gì, đường dùng nào. Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay, một số thuốc được xếp vào dạng dễ gây dị ứng nhất là thuốc kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, thuốc dùng chữa bệnh gout, bệnh thần kinh… Cao điểm, tại Trung tâm Dị ứng tiếp nhận hàng chục ca dị ứng/tuần từ thể nhẹ (nổi ngứa, ban đỏ, khó thở dạng hen phế quản do thuốc), đến nặng có thể gây tử vong vì sốc phản vệ do dùng thuốc, tổn thương da, niêm mạc và cơ quan nội tạng… Hội chứng Stevens Johnson dù ít gặp, nhưng có đến 10-40% BN mắc hội chứng này tử vong.
Cũng theo TS Đoàn, dị ứng thuốc thật đã đáng sợ nhưng riêng với thuốc giả, hàm lượng không rõ hoặc thuốc đã hết “date”… càng khiến cho BN dị ứng thuốc rơi vào tình trạng vô cùng tồi tệ. Các bác sĩ khuyến cáo, BN nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh tin cậy để được kê đơn thuốc, hướng dẫn, điều trị bệnh hiệu quả. Khi đang sử dụng thuốc, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường (như loét da, dị ứng nổi mẩn đỏ, khó thở…) cần đến ngay BV thăm khám kịp thời…
Dương Hải – Lao động