“Việc sản xuất thuốc ở nước ta đa phần có dạng bào chế đơn giản, cùng một loại thuốc nhưng có nhiều loại sản phẩm trùng lặp; chưa sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị và các dạng bào chế đặc biệt” – TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) – đã thừa nhận những hạn chế của công nghiệp dược tại Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức.
Dẫn chứng cho những hạn chế của công nghiệp dược, TS Trương Quốc Cường chỉ ra, trung bình cứ 1 hoạt chất có 23 số đăng ký thuốc sản xuất trong nước; trong đó có rất nhiều hoạt chất có trên 100 số đăng ký (SĐK). Chưa kể đến việc hệ thống phân thuốc có tới có 177 doanh nghiệp đạt GPS (được nhập khẩu); trên 1.900 doanh nghiệp đạt GDP (được bán buôn), trên 39.000 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó khoảng 10.000 nhà thuốc đạt GDP.
Một hệ thống phức tạp, có quá nhiều đối tượng tham gia, gây ra nhiều bất cập của thị trường, trong đó nổi cộm là vấn đề quản lý giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc nói chung, thu hồi thuốc kém chất lượng và kiểm soát nguồn gốc thuốc trên thị trường nói riêng.
Tại các bệnh viện còn xảy ra tình trạng thuốc đấu thầu vào bệnh viện giá cao, thuốc kém chất lượng. Để giải quyết tình trạng thị trường phân phối thuốc, thời gian tới, ngoài vấn đề bảo đảm chất lượng thuốc trong phân phối, ngành dược mong muốn phát triển hệ thống phân phối thuốc.
Sẽ có 5 trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Ngành dược cũng đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ cung ứng thuốc cho đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, vùng sâu, vùng xa.