Mục xương, phù nề, trụy tim mạch…
“Đảm bảo bệnh khỏi ngay, công hiệu tức thời, bệnh nặng cũng khỏi…” là những lời quảng cáo của các điểm buôn bán thuốc đông dược và một số phòng khám đông y đã đánh vào điểm yếu của người bệnh là chỉ cần mau chóng khỏi. Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Phòng khám y dược cổ truyền Tuệ Lãn, TPHCM, một số phòng khám, cơ sở sản xuất thiếu y đức thường trộn vào thuốc đông y các loại tân dược, nếu lạm dụng thì cực kỳ nguy hiểm.
Dược liệu bán sỉ được kinh doanh tại khu vực quận 5, TPHCM. Ảnh: Võ Tuấn
Chẳng hạn, các thuốc trị bệnh về khớp thì bỏ thêm vào dexamethasone, prednisolone, ibuprofen, diclofenac, indomethacin, naproxen, mefenamic acid… Hậu quả của thuốc gây ra thật trầm trọng như phù nề, loét dạ dày, mục xương, tăng huyết áp, xuất huyết, dị ứng (các thuốc không corticoid), suy gan (đối với paracetamol), trụy tim mạch…
Ví dụ đối với loại thuốc giải biểu hoàn có paracetamol mà Cục Quản lý dược đã yêu cầu đình chỉ nếu người đang say rượu, người có men gan cao, bị dị ứng với hoạt chất này khi uống paracetamol sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Trong thuốc đông y có paracetamol mà bệnh nhân lại đông-tây y kết hợp dùng song song cả đơn thuốc có paracetamol sẽ uống liều gấp đôi, rất dễ ngộ độc.
PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Vụ trưởng Vụ Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết: “Mục đích trộn như vậy là nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh giảm đau, ăn ngon, ngủ yên, tăng cân, sinh lực dồi dào, trí óc minh mẫn… Tuy nhiên, di chứng về sau sẽ rất khó lường vì người bệnh cứ tin rằng mình đang uống thuốc có nguồn gốc dược liệu an toàn và uống kéo dài. Chỉ đến khi phát hiện những tác dụng có hại thì đã muộn, tình trạng bệnh đã rất trầm trọng”.
Chiêu của các thầy lang rởm là mua thuốc tân dược nghiền thành bột, trộn vào dược liệu khác, bào chế thủ công thành các loại viên hoàn đông y. Số khác thì bán thuốc sắc kèm theo những gói bột đựng tân dược đóng trong túi nylon không có nhãn mác và dặn người bệnh uống kèm thuốc sắc.
Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết: Có những loại bệnh, có thể sử dụng kết hợp tân dược với đông dược để có kết quả điều trị cao, nhưng yêu cầu phải có phác đồ rõ ràng và cũng không được trộn chung. Đồng thời, thầy thuốc phải nói rõ để người bệnh biết và tuân thủ điều trị.
Chữa triệu chứng, lừa bệnh nhân
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TPHCM, nếu là đông dược nhưng có trộn lẫn tân dược thì là thuốc giả mạo, bất hợp pháp, không được phép lưu hành và sử dụng cho người bệnh. Mục đích của người sản xuất đông dược trộn thêm tân dược vào là để lừa người bệnh, cứ tưởng đông dược trá hình này là thần dược.
Điều đáng nói, việc trộn các tân dược vào đông dược rất khó phát hiện, vì trong đông dược có rất nhiều thành phần, đòi hỏi máy móc kiểm nghiệm hiện đại mới chiết tách được thành phần và tốn chi phí nhiều. Hiện nay, cả nước có viện kiểm nghiệm (trung ương) và mạng lưới trung tâm kiểm nghiệm (tỉnh, thành) nhưng khó có thể bao sân vì thuốc đông y từ nhập khẩu cho đến sản xuất trong nước nhan nhản, thậm chí cả thực phẩm chức năng.
Cơ quan chức năng niêm phong các loại thuốc đông y không gõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đến thời điểm này, tại VN, việc quản lý chất lượng các sản phẩm tân dược, đông dược, thực phẩm bổ sung hiện nay đang theo kiểu “nóng đâu phủi đấy”, có nghĩa là chỉ biết tin vào hoạt chất và hàm lượng mà DN tự công bố hoặc DN tự đem kết quả kiểm nghiệm để đăng ký cấp số với cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, một lượng thuốc đông y khổng lồ không tên tuổi, nhãn mác được các nhà thuốc bào chế bán trực tiếp cho các bệnh nhân đến khám thì cơ quan chức năng như thanh tra sở, phòng y tế của các tỉnh, thành hoặc quận, huyện cũng đành chịu. Thậm chí, ngay cả thanh tra cũng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ biết về đông y. Chính vì điều này, khi cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm có vấn đề và phát lệnh thu hồi thì thuốc đã nằm trong bụng người bệnh…
Trên thực tế, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã thu hồi nhiều loại đông dược có pha thêm tân dược, chủ yếu là thuốc trị cảm cúm (cho thêm paracetamol), trị bệnh khớp (trộn các thuốc chống viêm corticoid như dexamethasone, prednisolone hoặc thuốc chống viêm không corticoid: Ibuprofen, diclofenac…).
Tại hội nghị dược liệu toàn quốc lần thứ hai mới đây, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, PGĐ Sở Y tế TPHCM, đã công bố: trên thị trường dược liệu hiện nay, 90% số thuốc y học cổ truyền đang lưu hành nhập lậu. Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, địa bàn TP hiện chiếm đến 70% số thuốc đông dược lậu của cả nước.
Theo Võ Tuấn – Quang Duy
Lao động