Các DN sản xuất thuốc trong nước đang tự “xé lẫn nhau”. Hễ thấy Cty nào có sản phẩm tung ra thị trường bán chạy thì chỉ 1-2 tháng sau sẽ có ít nhất 3-4 Cty dược đua nhau sản xuất loại thuốc đó bằng mọi giá với các tên gọi khác nhau”. Chính vì điều này nên các sản phẩm thuốc nội cứ “giẫm đạp” lên nhau để tồn tại.
Theo BS Nguyễn Thy Hùng, GĐ BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, có những thuốc cùng một hoạt chất mà có tới hàng trăm tên gọi khác nhau khiến BV không biết đâu mà lần! Điều đó dẫn đến tình trạng ở mỗi BV, bệnh nhân lại chịu mỗi giá thuốc khác nhau dù loại thuốc, chất lượng thuốc không khác nhau.
Theo đánh giá xếp loại của các chuyên gia trong dược học, 178 DN sản xuất thuốc trong nước đang hoạt động nhưng ở mức độ trung bình thấp. Chính vì tự thân vận động nên họ cứ loay hoay sản xuất trùng lặp thuốc generic (thuốc tương đương trị liệu với thuốc gốc khi thuốc gốc hết thời hạn bản quyền) hoặc thuốc dễ sản xuất, phổ biến như: Hạ nhiệt giảm đau, kháng sinh, kháng viêm, vitamin và thuốc bổ, thuốc đường hô hấp… Trong khi đó các thuốc đặc trị thì chẳng mấy ai màng đến. Việc sản xuất dàn trải và cạnh tranh bằng những loại thuốc thông thường của nhiều Cty dược trong nước đang rơi vào cảnh “ăn xổi ở thì”.
Một BS ở BV Y học Cổ truyền Hà Nội cho biết: Trên thực tế, chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng thuốc ngoại tốt hơn thuốc nội. Vì thế, loại trừ những động cơ cá nhân, việc kê đơn loại nào đều tùy thuộc vào kinh nghiệm điều trị thực tế của từng BS. Tôi đã điều trị cho bệnh nhân viêm phế quản bằng tiêm Cefotacin (do một Cty sản xuất dược nhỏ sản xuất) 10 ngày, có BHYT chi trả nhưng không khỏi. Sau đó tôi chuyển sang một loại thuốc nội khác, bệnh nhân tự đi mua thì khỏi. Vì vậy, cùng là thuốc trong nước cũng có dăm bảy loại, chất lượng rất khác nhau.
Khi BV đấu thầu thuốc, loại thuốc nào bỏ thầu giá thấp nhất sẽ trúng thầu. BV tham rẻ mà ít cân nhắc chất lượng thì thuốc của các Cty dược nhỏ lẻ, chất lượng không cao sẽ thắng thầu. Vì thế, không phải tự dưng mà người dân có ý coi thường thuốc BHYT, đặc biệt là thuốc nội được chi trả. Tôi cũng để ý, những loại thuốc bị đình chỉ, thu hồi vì lỗi này, lỗi khác hầu hết đều là của các Cty nhỏ lẻ, chứ thuốc của Cty đã có bề dày và có thương hiệu trong nước thì rất ít. Chạy theo lợi ích ngắn ngày, không đầu tư nâng cao chất lượng, đó là hậu quả tất yếu mà thôi.
Dự kiến, đến năm 2015, theo lộ trình của Bộ Y tế đưa ra là tăng tỉ lệ sử dụng thuốc nội/tổng số tiền mua thuốc tại các cơ sở điều trị (BV tuyến TƯ tăng 3%, BV tuyến tỉnh/thành phố tăng 4%, BV tuyến huyện tăng 5%); tăng tỉ lệ kê đơn thuốc sản xuất trong nước cho bệnh nhân ngoại trú thêm 10% mỗi năm.
Lý thuyết là thế, tuy nhiên, việc xoay chuyển tâm lý của người bệnh và đặc biệt thái độ của BS không dễ, khi mà hoa hồng cho thuốc ngoại vẫn đang là miếng bánh quá hấp dẫn. Thuốc là sản phẩm mà người sử dụng không có quyền quyết định. Việc sử dụng thuốc phải theo quyết định, chỉ định của thầy thuốc. Câu hỏi đặt ra, đến bao giờ thuốc nội mới hết đứng ngoài cuộc?
Bên cạnh lý do là cuộc chiến khốc liệt về hoa hồng cho BS, ưu đãi quảng cáo, tâm lý người bệnh thích thuốc ngoại thì một nguyên nhân khác xuất phát từ chủ quan từ các DN sản xuất dược, đó là các DN vẫn loay hoay chưa tìm được lối đi một cách bài bản cho mình.
Theo Võ Văn – Quang Duy
Lao động