Ảnh minh họa
Thực tế thì thuốc ho bổ phế là loại thuốc ho được sử dụng thông thường ở nhiều gia đình, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ. Trong số nhiều loại thuốc ho bổ phế được bán trên thị trường hiện nay, có một số ít loại thuốc có chứa thành phần này. Tuy nhiên theo tâm lý chung thì nhiều người vẫn lo ngại.
Vì có con nhỏ rất hay bị ho, viêm họng nên chị Yến vẫn thường cho con uống thuốc ho bổ phế nhưng từ hôm được biết về thông tin có loại thuốc ho bổ phế có chứa thạch xương bồ – một loại cây cỏ mà độc tính tăng theo hàm lượng beta-asaron chứa trong tinh dầu của nó có nguy cơ gây ung thư, đột biến gan cũng như ảnh hưởng không tốt đến tim và gan, chị không khỏi băn khoăn lo lắng. Nhưng sau khi tìm hiểu biết rằng không phải loại nào cũng chứa thạch xương bồ, mỗi lần đi mua thuốc, chị đều đọc kỹ thành phần ghi trên hộp thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng.
Được biết, mức độ độc tính của thạch xương bồ liên quan đến hàm lượng beta asoro có trong nó. Từ hàng chục năm trước thì cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ đã cấm sử dụng xương bồ và các sản phẩm từ xương bồ như tinh dầu, dịch chiết… làm chất phụ gia thực phẩm hoặc làm thuốc.
Còn ở nước ta, theo danh mục thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành hiện có 8 loại thuốc chứa dược liệu thạch xương bồ có số đăng ký còn hiệu lực. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc những loại đó được tiếp tục lưu hành hay thu hồi, cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã có văn bản phúc đáp là: thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường cần thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và phải có đủ bằng chứng khoa học. Do vậy, căn cứ vào những thông tin, bằng chứng khoa học hiện có và ý kiến tư vấn của hội đồng xét duyệt thuốc, Cục Quản lý dược đã có công văn về việc tạm ngừng cấp số đăng ký mới, đăng ký lại cho các chế phẩm có chứa dược liệu thạch xương bồ nhưng chưa đề cập đến việc thu hồi thuốc đang lưu hành trên thị trường vì chưa đủ căn cứ khoa học.
Để xác định giới hạn hàm lượng an toàn của beta arason, Cục quản lý Dược đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng phương pháp kiểm nghiệm về định tính, định lượng đối với thành phần này trong dược liệu, đồng thời tổng hợp các thông tin khoa học về dược lý, lâm sàng tại Việt Nam và trên thế giới và sẽ có thông báo về giới hạn hàm lượng an toàn sau khi có đủ bằng chứng khoa học.
Trong thời gian chờ kết luận từ phía cục Quản lý dược – Bộ Y tế, người tiêu dùng vẫn có thể an tâm sử dụng các loại thuốc ho bổ phế bằng cách chọn loại trong thành phần không có thạch xương bồ, tránh vì thiếu thông tin mà bỏ qua những loại thuốc đông dược vừa tiết kiệm về kinh tế lại hiệu quả.
Nguyệt Ánh