Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học “Vấn đề thuốc giả từ thực tiễn đến hành động” ngày 29/10, Tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỷ Euro/năm.
Theo Thứ trưởng: Vấn đề thuốc giả gây hại ở hai phương diện, đó là: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất, các hãng dược phẩm chân chính và gây tác hại cho người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa không đủ hàm lượng dược chất, người bệnh sử dụng có thể làm bệnh nặng thêm và thậm chí dẫn đến tử vong. Nguy hiểm hơn thuốc giả có chứa các chất độc gây nguy hiểm, người sử dụng bị tai biến, dẫn đến chết người.
Theo thống kê của Viện kiểm nghiệm Trung ương, số lượng thuốc giả được phát hiện trong năm 2011 tại Việt Nam là 31 mẫu trong đó 11 loại thuốc tân dược, bao gồm cả thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước. Thuốc giả chiếm tỷ lệ 0,09% mẫu lấy để kiểm tra chất lượng. Theo Bộ Y tế số liệu trên đây chưa bao gồm các mẫu thuốc giả mạo do công an, Quản lý thị trường phát hiện. Cũng trong năm 2011, Bộ Y tế tiến hành lấy 48.261 mẫu thuốc đã phát hiện 940 mẫu không đảm bảo chất lượng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thuốc giả là sản phẩm được sản xuất và dán nhãn dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo về nguồn gốc và lai lịch sản phẩm. Điều này có thể xảy ra đối với cả biệt dược lẫn thuốc generic, các sản phẩm giả mạo có thể dược chất sai hoặc không có dược chất, không đủ lượng dược chất hoặc bao gói giả mạo.
Thuốc giả – hiểm họa khôn lường. Ảnh: Suckhoedoisong.vn
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Đăng Hòa, Trường Đại Dược Hà Nội: Khái niệm thuốc giả ngày càng được mở rộng và mang tính “động”, mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận và ngày càng được cộng động quốc tế quan tâm. Thuốc giả có nhiều dạng khác nhau, những kết quả cuối cùng là khi sử dụng gặp thất bại trong điều trị, tăng độc tính, tăng kháng thuốc, thậm chí là tử vong. Nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10. Trong đó đáng nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Gần một năm qua thuốc giả đã chính thức là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của Trường đại học Dược Hà Nội.
Khi kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc nhái nhãn hiệu phổ biến ngày càng nhiều. Theo Tổ chức Y tế thế giới, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng diễn biến phức tạp. Thuốc kém chất lượng ngày càng được làm giả một cách tinh vi, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó có thể phát hiện được.
Hội thảo khoa học “Vấn đề thuốc giả từ thực tiễn đến hành động” diễn ra trong hai ngày 29, 30/10 do Trường Đại học Dược Việt Nam và Dự án FSP Mekong( Bộ ngoại giao Pháp và Chương trình đối tác vì an toàn thuốc của Hoa Kỳ (PSM) phối hợp tổ chức. Hội thảo thu hút sự quan tâm của đại diện một số tổ chức quốc tế, quốc gia, các ngành hữu quan của Việt Nam như Công An, Hải quan và các vụ cục Bộ Y tế, các trường đại học dược. Tại đây, các chuyên gia sẽ trao đổi nhằm tăng cường hiểu biết về thuốc giả và các hệ lụy liên quan đến thuốc giả; chia sẻ và đề xuất các hoạt động cần thiết để tăng cường mạng lưới chống thuốc giả.
Nhật Minh – Báo tin tức