Sáng 15/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2016-2020 của ngành y tế.
Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2015 ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; nỗ lực phấn đấu để thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chính sách, các nhiệm vụ chủ yếu trong kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 5 năm và hằng năm, 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong giai đoạn qua, các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân cải thiện đáng kể như: Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,3 tuổi năm 2015; tỉ số tử vong mẹ giảm từ 68/100.000 trẻ sinh sống năm 2010 xuống khoảng 58,3/100.000 trẻ sinh sống năm 2015; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,8‰ năm 2010 xuống còn 14,73‰ năm 2015; tỉ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,8‰ năm 2010 xuống còn 22,12‰ năm 2015; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010 xuống khoảng 14,1% năm 2015.
Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế đã đạt và vượt mức kế hoạch.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng luật, văn bản dưới luật, chiến lược, chính sách quan trọng đã được xây dựng và ban hành tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động; bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố và kiện toàn; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế ngày càng tăng cao.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đã triển khai việc xử lý văn bản điện tử tới tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, công bố 20 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 10 dịch vụ công mức độ 4 thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý dược, quản lý môi trường y tế.
Công tác y tế dự phòng được tăng cường, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn kịp thời nhiều dịch bệnh dịch trong nước bùng phát, kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi như Ebola, H7N9, MERS-CoV… có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.
Công tác khám chữa bệnh có những chuyển biến rõ rệt, được người dân đánh giá cao. Các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú; số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật năm sau tăng hơn so với năm trước, đạt bình quân 2,34 lượt khám/người/năm. Số giường bệnh trên vạn dân tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 24 giường năm 2015 (nếu tính số giường bệnh thực kê thì tăng từ 24,7 lên 31,4 giường bệnh trên vạn dân). Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên một lượt khám bệnh.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển, góp phần giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tính đến nay đã hoàn thành được 610/766 bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh và huyện được đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, hệ thống bệnh viện vệ tinh được hình thành tại hầu hết các tỉnh.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác của ngành y tế cũng được đẩy mạnh góp phần vào những thành tựu chung của ngành y tế như công tác y tế cơ sở, thanh kiểm tra, truyền thông giáo dục sức khỏe, hợp tác quốc tế, y học cổ truyền, dân số-kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe bà mẹ trẻ em, tài chính y tế.
Nhằm củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch, bệnh lớn xảy ra; tiếp tục thực hiện lộ trình BHYT toàn dân; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để tăng nguồn lực đầu tư cho y tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế… trong giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình.
Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; hiện đại hóa và kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền y học hiện đại, giữa phòng bệnh và chữa bệnh.
Tập trung, ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình và lồng ghép mô hình bác sĩ gia đình vào y tế tuyến cơ sở.
Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp với tình hình mới, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng; chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra; từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm có hiệu quả.
Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong công tác phòng bệnh và khám, phát hiện và điều trị. Đổi mới công tác đào tạo cán bộ y tế, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và một số chuyên khoa; bảo đảm cân đối trong phân bổ nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.
Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế.
Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
Tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn tham gia BHYT, thực hiện BHYT theo hộ gia đình nhằm tăng độ bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, giảm tỉ trọng chi tiêu tiền túi xuống dưới 40% tổng chi cho y tế vào năm 2020.
Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vaccine, sinh phẩm và trang thiết bị y tế. Phát triển công nghiệp dược, bảo đảm đủ thuốc, sử dụng có hiệu quả nguồn dược liệu trong nước cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội.
Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng giảm đầu mối, phù hợp với hội nhập quốc tế nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các tuyến.
Xây dựng cơ chế phối hợp và xác định trách nhiệm cụ thể trong công tác truyền thông y tế giữa ngành y tế và các bộ, ngành, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí. Nâng cao hiệu quả, tính chủ động của công tác truyền thông cung cấp thông tin, giáo dục sức khỏe để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và thu hút sự vào cuộc của các cấp ủy, đảng, chính quyền, các cơ quan truyền thông, dư luận và mỗi người dân. Nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân trong việc chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Theo baochinhphu.vn