Thời gian gần đây, ngành dược đã “mạnh tay” loại bỏ nhiều loại thuốc kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn ra khỏi thị trường thuốc của Việt Nam. Thế nhưng, ngay cả khi đã có công văn thu hồi chính thức của cơ quan chức năng, thuốc kém chất lượng vẫn tồn tại trên thị trường, còn người bệnh vẫn “vô tư” sử dụng.
|
Nhiều nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội không nhận được thông tin về các loại thuốc bị thu hồi. |
Hàng loạt thuốc kém chất lượng bị thu hồi
Trong các quyết định đình chỉ, thu hồi, rút số đăng ký lưu hành các loại thuốc nhập khẩu kém chất lượng mà Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông báo công khai thời gian qua, việc vi phạm chất lượng thuốc phổ biến nhất là các công ty của Ấn Độ như: Umedica Laboratories Pvt Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt Ltd., Cure Medicines (I) Pvt Ltd., Medley Pharmaceuticals Ltd… Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường lý giải, Ấn Độ là nước có số lượng nhà sản xuất dược phẩm rất lớn, có nền sản xuất nguyên liệu làm thuốc phát triển và đa dạng. Do vậy, quốc gia này có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu nguyên liệu và thuốc thành phẩm sang các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với số lượng lớn thuốc của các nhà sản xuất Ấn Độ lưu hành trên thị trường như vậy thì tỷ lệ thuốc kém chất lượng nhiều hơn các nước khác là không tránh khỏi. Cục Quản lý dược sẽ tăng cường phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên cả nước tập trung kiểm tra 100% lô thuốc nhập khẩu từ các công ty có tên trong danh sách các đơn vị nhập khẩu có thuốc vi phạm chất lượng. Cảnh báo của các bác sĩ chỉ rõ: Thuốc kém chất lượng không chỉ vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị bệnh mà trong rất nhiều trường hợp còn gây ra tác hại như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng, kháng thuốc… Tuy nhiên, do người dân Việt Nam có thói quen mỗi khi ốm thường tự ý mua thuốc mà không cần kê đơn của bác sĩ, không quan tâm đến hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc nên hiện nay không ít loại thuốc giá rẻ, kém chất lượng vẫn có “đất sống”. Theo nhận định của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, tình trạng thuốc kém chất lượng có xu hướng ngày càng gia tăng. Ngoài số thuốc kém chất lượng bị các cơ quan chức năng phát hiện trong quá trình tiền kiểm, hậu kiểm thời gian qua thì Viện Kiểm nghiệm thuốc vẫn định kỳ lấy mẫu thuốc trên thị trường để kiểm nghiệm chất lượng. Viện đã phát hiện nhiều mẫu không đạt chất lượng, phổ biến nhất là không đạt chỉ tiêu về độ hòa tan, không đủ định lượng, nhiễm vi sinh… Thu hồi mới chỉ trên… văn bản?
Theo một chuyên gia ngành dược, khi phát hiện ra thuốc kém chất lượng, ngành chức năng chỉ biết ra quyết định thu hồi nhưng trên thực tế không ai chịu trách nhiệm chính để giám sát việc thu hồi khẩn cấp và thu hồi triệt để các thuốc kém chất lượng. Vì thế, không quá khó hiểu khi thuốc đã có quyết định thu hồi vẫn ngang nghiên tồn tại ở quầy bán lẻ thuốc. Ví dụ như trường hợp hai loại thuốc viên nang Euroseafox và Cefaclor không đạt tiêu chuẩn chất lượng, sau khi Cục Quản lý dược ra thông báo đình chỉ lưu hành, ngày 10-10, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành và các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn yêu cầu rà soát và thu hồi hai loại thuốc này. Thế nhưng, đã qua một tuần kể từ khi có văn bản thu hồi, tại một cửa hàng thuốc trên phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) phóng viên Hànôịmới vẫn được người bán hàng ở đây cho biết, thuốc Euroseafox đã được cửa hàng bán hết và hiện chỉ còn thuốc Cefaclor. Cũng theo người này, cửa hàng không nhận được bất kỳ thông tin gì về thuốc thu hồi. Họ lý giải, nếu nhận được thông tin thu hồi khi thuốc đã bán cho người dân rồi thì biết tìm ở đâu để thu hồi. Mặt khác, việc thu hồi thuốc kém chất lượng phải do công ty phân phối thuốc thực hiện chứ nhà thuốc thì lấy quyền gì mà thu hồi (!?). Một dược trình viên nhiều năm kinh nghiệm cho biết một thực tế đáng buồn, đó là lâu nay, các loại thuốc được cơ quan chức năng đề nghị thu hồi, nhà thuốc nào tiếp tục bán thì cũng… chẳng sao vì từ trước đến nay không thấy cơ quan nào đến kiểm tra về vấn đề này. Đáng chú ý là các thông báo đình chỉ lưu hành thuốc thường không nêu rõ nhà thuốc, hiệu thuốc đang có thuốc bị đình chỉ lưu hành sẽ phải giao nộp cho ai, ở đâu, có được hoàn tiền hay không… Thậm chí, việc thu hồi kéo dài trong nhiều tháng nên nhiều công ty đã tranh thủ tẩu tán thuốc để khỏi mất công thu hồi và tốn kinh phí tiêu hủy. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng phải xây dựng và thống nhất quy trình liên hoàn từ khâu lấy mẫu, thông báo kết quả kiểm nghiệm, quyết định đình chỉ lưu hành thuốc, nơi nhận thuốc thu hồi và hoàn tiền… Trong thời gian ngắn nhất, thuốc kém chất lượng bị phát hiện, công bố phải được tổ chức thu hồi một cách hiệu quả nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra với người bệnh.
Tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp y tế tiên tiến Novartis của Thụy Sĩ và Bộ Y tế vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Bộ Y tế tại Hà Nội trước sự chứng kiến của Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam. Theo đó 2 bên tập trung vào 4 lĩnh vực chính gồm: Hợp tác phát minh trên cơ sở khoa học và thử nghiệm lâm sàng; hợp tác khoa học và đào tạo; quản lý dược; chất lượng thuốc và sản xuất nội địa; cải thiện việc tiếp cận dịch vụ y tế tiên tiến, chất lượng cao. Hợp tác này góp phần hỗ trợ phát triển hệ thống y tế vững mạnh đến mọi nhóm dân cư bao gồm nhóm có thu nhập thấp để mang lại cho người dân Việt Nam các loại thuốc chất lượng tốt. |
Theo Hanoimoi