Được xác định khối u lành tính vùng cổ nhưng không yên tâm, muốn khối u “biến mất”, bệnh nhân N.V.K (60 tuổi, Hà Nội) đã tin thầy lang đắp thuốc. Vì đắp thuốc, vùng cổ bệnh nhân bị loét, nhiễm khuẩn sâu, nguy cơ tổn thương động mạch cảnh…
Vết loét sâu vùng cổ mưng mủ vì đắp thuốc. Ảnh: BS cung cấp
Khi được đưa đến khoa Phẫu thuật – Tạo hình – Thẩm mỹ (Viện Bỏng Quốc gia), tình trạng của bệnh nhân rất nặng. Không chỉ bị loét, thương tổn tại vùng khối u do đắp lá, căn bệnh tiểu đường tuýp 2 của ông K cũng nặng lên bởi nghe theo lời thầy lang này phải ăn chay để chữa bệnh.
Trước đó, khi xuất hiện cố khối u vùng cổ ông K đã đi khám, xác định có một khối u lành vùng cổ và không có chỉ định phẫu thuật. Thấy tồn tại ở cổ khối u có thể sờ nắn được, ông K không yên tâm và đã tìm đến thầy lang gần nhà chữa bệnh. Thầy lang đã cho ông K đắp lá tại chỗ, uống thuốc nam không rõ nguồn gốc và yêu cầu ăn chay một tháng để chữa lành khối u.
Kết quả sau 1 tháng đắp thuốc, uống thuốc và ăn theo thực đơn chay đặc biệt, khối u vùng cổ của ông K không những không khỏi mà xuất hiện tình trạng viêm loét, chảy nước vùng cổ, sức khỏe ông K cũng suy kiệt vì tình trạng tiểu đường nặng lên.
Khi được gia đình đưa đến khoa Phẫu thuật – Tạo hình – Thẩm mỹ (Viện Bỏng quốc gia), các bác sĩ xác định tại vùng khối u của ông K. tạo thành ổ loét sâu tới 4 cm, rộng 4x 8cm, có nguy cơ tổn thương vào động mạch cảnh (mạch máu quan trọng có tác dụng cấp máu cho cơ thể). Nếu không xử lý ngay vết loét nhiễm trùng do đắp lá này sẽ gây tổn thương sâu vào động mạch cảnh, rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Vì thế, các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia đã tiến hành làm sạch ổ loét và tạo hình phủ khuyết da vùng cổ cho ông K.
Vùng cổ sau khi được làm sạch lớp loét, che phủ bằng vạt da lấy từ
chính cơ thể bệnh nhân. Ảnh: BS cung cấp
Để lấy vùng da che phủ tại ổ loét khá rộng này, các bác sĩ đã lấy vạt da vùng chẩm ngay sau gáy của chính bệnh nhân. Đến này 5/11, sau 4 ngày được phẫu thuật tạo hình, vùng da mới đã có dấu hiệu sống, hồng, có cảm giác và sức khỏe ông K đã dần ổn định.
Tình trạng tiểu đường tuýp 2 của bệnh nhân khi nhập viện cũng rất nặng nề. Bởi bị tiểu đường tuýp 2 đã lâu, phải ăn ít đường, tinh bột nhưng vì muốn chữa khỏi khối u, ông K đã nghe theo thầy lang phải ăn chay một tháng. Chính vì chế độ ăn chay có nhiều tinh bột, khi vào cơ thể, tinh bột lại chuyển hóa thành đường khiến tình trạng tiểu đường của ông trầm trọng hơn.
Hồng Hải – Dân trí