– Metoclopramide: Là thuốc có tác dụng chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn (như gastrobid 15mg), có loại thuốc giọt (dành cho trẻ sơ sinh). Thuốc tác động trực tiếp ngay trung tâm gây nôn ở não nên được dùng để điều trị một số dạng nôn nặng, do điều trị ung thư bằng hóa trị liệu hoặc nôn sau phẫu thuật. Thuốc được sử dụng như một thuốc hỗ trợ nhu động khi bị trào ngược dạ dày – thực quản hoặc ứ đọng dạ dày. Metoclopramide chống chỉ định đối với trẻ động kinh vì có thể làm cơn động kinh nặng hơn và mau hơn.
Thận trọng dùng metoclopramide đối với trẻ bệnh hen do có thể tăng nguy cơ co thắt phế quản. Cần lưu ý liều dùng của metoclopramide là rất nhỏ, đã có trường hợp quá liều do tự ý dùng thuốc này, vì vậy, chỉ sử dụng khi có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.
– Diphenylhydramin (nautamin): Thuốc chống say xe hay dùng. Thuốc này làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glôcôm góc hẹp), làm tăng tác dụng các thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, không dùng chung với các loại thuốc trên). Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già).
Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú. Thận trọng khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tắc nghẽn dạ dày ruột, đường tiết niệu. Để có hiệu quả chống nôn, chống say xe thì phải uống trước khi lên tàu xe khoảng một giờ. Nếu cuộc hành trình kéo dài, phải uống nhắc lại.
Không nên tự ý dùng thuốc chống nôn mà không có chỉ định
Việc sử dụng thuốc chống nôn có thể làm che lấp triệu chứng của bệnh nguy hiểm hoặc làm cho người dùng thuốc bị những tác dụng phụ của các thuốc chống nôn gây ra. Vì vậy, cần xác định nguyên nhân khiến người đó bị nôn và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm mà nôn chỉ là một biểu hiện để có hướng dùng thuốc thích hợp.
Do thuốc chông nôn làm tăng nhu động ruột nên nếu dùng liều không thích hợp dễ gây rối loạn tiêu hoá và không được dùng thuốc khi bệnh nhân bị chảy máu đường tiêu hóa, tắc ruột cơ học. Không nên sử dụng thuốc chống nôn thường xuyên hoặc dài ngày. Thận trọng khi sử dụng cho trẻ dưới 2 tuổi.
2. Thuốc chống say tàu xe có thể gây tai biến
Những người dễ bị nôn, say tàu xe thường tự ý mua dùng thuốc chống nôn để uống khi cần sử dụng các phương tiện giao thông này. Đã có không ít trường hợp tai biến xảy ra, nhất là với trẻ em và người vốn có kèm bệnh khác.Các nhóm thuốc thường dùng gồm:
Nhóm kháng cholinergic, kháng histamin
Phân nhóm kháng cholinergic: Khi bị cường phó giao cảm, cơ trơn sẽ co thắt, nhu động và vận động tiêu hóa mạnh lên, dịch tiết tiêu hóa tăng gây nôn, say. Thuốc kháng cholinergic chống lại hiện tượng này; thường dùng scopolamin (biệt dược uống là Aeron, biệt dược dán trên da là Transderms scop). Tác dụng phụ hay gặp: khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng (không dùng khi điều khiển máy móc); ít gặp hơn là lú lẫn, khó tiểu, hội chứng cai thuốc (nếu dùng miếng dán trên 3 ngày). Không nên dùng miếng dán cho trẻ em.
Phân nhóm kháng histamin: Histamin tiết ra quá mức sẽ gây say, nôn. Có thể dùng các kháng histamin để chống lại. Thuộc nhóm này có:
– Meclizine (biệt dược: Antivert, Dramamine less drowsy): Dùng chống say tàu xe. Tác dụng phụ: buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, trầm dịu, rối loạn tâm thần. Không dùng cho trẻ em.
– Diphenylhydramin (biệt dược tiêm: Benadrylinjection, biệt dược uống: Nautamine). Loại biệt dược tiêm dùng chống nôn, say tàu xe, phụ trị các rối loạn dị ứng không thể dùng được bằng đường uống và một số bệnh khác. Loại biệt dược uống giúp dự phòng, điều trị nôn mửa. Cả hai loại đều không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng.
Cả 2 phân nhóm kể trên đều làm tăng nhãn áp (không dùng cho người glaucome góc hẹp), làm tăng tác dụng các thuốc gây ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin, các thuốc kháng cholinergic khác (nên khi dùng thuốc không được uống rượu, dùng chung với các loại thuốc trên). Thuốc được chuyển hóa ở gan, thận (nên thận trọng với người rối loạn chức năng gan, thận, rối loạn chuyển hóa, người già). Không nên dùng cho người có thai, đang cho con bú, người bị nghẽn đường dạ dày niệu. Thận trọng: khi bị bệnh hen suyễn, các rối loạn đường hô hấp dưới, cường tuyến giáp, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, nghẽn dạ dày ruột, đường niệu.
Các thuốc trên muốn có hiệu quả chống nôn, say thì phải uống trướckhi lên tàu xe khoảng 30-60 phút. Nếu cuộc hành trình kéo dài, phải uống nhắc lại.
Nhóm điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa
Thuốc ngăn chặn dopamin ngoại biên, làm thay đổi chức năng dạ dày ruột nên có tính chống nôn. Thường dùng:
– Domperidone: Biệt dược là Motilium, Peridys, dưới dạng viên nén, thuốc cốm sủi bọt (dành cho người lớn), hỗn dịch uống (dành cho trẻ em, trẻ còn bú). Dùng trị chứng buồn nôn và nôn, đặc biệt là sau phẫu thuật, các chứng gan – tiêu hóa sau khi dùng thuốc chống ung thư, dự phòng buồn nôn và nôn sau khi thẩm phân lọc máu, nôn do liên hệ tới rối loạn vận động tiêu hóa. Chống chỉ định: Có tiền sử vận động muộn sau dùng thuốc hoặc khi có nguy cơ kích thích vận động dạ dày ruột sẽ gây nguy hiểm (xuất huyết dạ dày ruột, nghẽn cơ học, thủng tiêu hóa).
Thuốc không đi qua hàng rào máu não nên không gây tác dụng phụ ở trung tâm. Vì thuốc chuyển hóa qua gan thận nên phải hết sức thận trọng khi dùng cho người suy gan, thận. Dùng cho người suy thận thì phải giảm liều 30-50%, chia liều dùng mỗi ngày hai lần. Gần đây, người ta phát hiện thấy domperidon gây hiện tượng xoắn đỉnh (có thể gây đột tử) nhất là khi dùng chung với một số thuốc (như erythromycin, clarithromycin).
– Metoclopramide: Chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn (như biệt dược: Gastrobid 15 mg), có loại thuốc giọt (dành cho trẻ sơ sinh), có loại thuốc đạn (dành cho trẻ em).
Nhóm thuốc chống nôn mạnh có tính gây nghiện
Thuốc chống nôn mạnh dẫn chất từ canabinoid của cần sa. Thường dùng là Dronabinol (còn có biệt dược Marinol); dùng trong buồn nôn và nôn mửa do thuốc trị ung thư. Thận trọng với người có tiền sử nghiện, bệnh tim, rối loạn tâm thần, trẻ em, người già, người có thai, cho con bú. Khi dùng không uống rượu. Thuốc có nhiều phản ứng phụ: gây ảo giác, hoang tưởng, trầm cảm, ưu tư, dị cảm, mất điều hòa vận động, nhịp tim nhanh, giãn mạch, hạ huyết áp thế đứng.
3. Dược thảo có tính chống nôn, chống say tàu xe
1.000 mg gừng khô có tác dụng chống nôn như 10 mg metoclopramide. 940 mg bột gừng khô có tác dụng chống say tàu xe tốt hơn 100 mg dramamine nhưng không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Các thí nghiệm này do các nhà khoa học Anh, Mỹ công bố trên các tạp chí khoa học.
Một vài điểm lưu ý khi dùng thuốc
Người không có bệnh gì có thể dùng thuốc uống nhóm thuốc thứ nhất. Nhưng với người có tiền sử bệnh tật (ví dụ như bị glaucome góc đóng) thì ngay với nhóm thuốc này cũng phải rất cẩn thận, đặc biệt là thuốc dạng tiêm hay cao dán, bắt buộc phải có sự chỉ dẫn giám sát của thầy thuốc (tuy các thuốc này không phải thuốc diện cần mua bán theo đơn).
Với nhóm thuốc thứ hai, nhất thiết phải có chỉ dẫn của thầy thuốc vì cơ chế tác dụng của thuốc có liên quan đến việc ngăn chặn việc sản xuất chất dopamin.
Nên dùng gừng trong chống nôn, say tàu xe vì có tác dụng không kém so với thuốc hóa dược, không có tác dụng phụ, dùng được cho người có thai. Hạn chế dùng nhóm thuốc chống nôn gây nghiện.
Lưu ý không dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ mới sinh những thuốc đã cấm, ngay với những thuốc không cấm như domperidone cũng phải rất cẩn thận
4. Thuốc chống nôn dạng cao dán
Nôn là động tác do các cơ thành bụng đột nhiên co bóp mạnh, cơ tiền vị của dạ dày mở ra, các cơ dạ dày co thắt mạnh tống dịch, thức ăn trong dạ dày lên miệng và ra ngoài. Trước khi nôn thường có cảm giác buồn nôn và nếu làm mất cảm giác này thì sẽ không nôn.
Buồn nôn và nôn là triệu chứng của nhiều rối loạn do nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân thường gặp là do say tàu xe, máy bay hay nói chung là do đang ở trong môi trường có sự chuyển động đột ngột hay ngoằn ngoèo.
Tai là cơ quan không chỉ đảm nhận chức năng nghe (thính giác) mà còn giúp điều chỉnh thăng bằng, định hướng cho cơ thể. Khi đi tàu xe, máy bay… do có sự chuyển động bộ phận tai trong (gồm ốc tai, tiền đình) ở một số người nhạy cảm bị kích thích không tương hợp với mắt nhìn sự chuyển động sẽ làm cho buồn nôn và nôn. Say tàu xe, máy bay còn làm cho chúng ta bị chóng mặt. Vì vậy trước hết có thể làm giảm bớt các kích thích bằng cách: ngồi ở nơi thoáng mát, đầu tựa vào nơi cố định, không đọc sách báo hoặc nhìn các vật di chuyển bên ngoài (nhắm mắt là tốt nhất), đắp khăn mát lên trán, không ăn uống quá no…
Tuy nhiên ở nhiều người bắt buộc phải dùng thuốc chống nôn: dùng thuốc dạng uống hoặc thuốc dạng cao dán (còn gọi là băng dán) lên vùng da phía sau tai.
Dạng cao dán (patch) được đề cập ở đây là dạng thuốc thấm qua da (còn gọi là hệ điều trị xuyên da). Dù chỉ là miếng băng dán mỏng hình chữ nhật hoặc hình tròn nhưng khi dán dính vào da, dược chất trong miếng băng dán (dược chất chống nôn phòng say xe, máy bay là scopolamin) sẽ thấm xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu để cho tác dụng toàn thân. Tác dụng toàn thân của scopolamin là giảm sự kích thích, giảm sự co thắt đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn. Đây là dạng thuốc tiện lợi vì duy trì sự cung cấp thuốc liên tục trong thời gian dài. Nếu cần, có thể ngưng sự điều trị bằng cách bóc miếng cao dán ra khỏi da.
Cần lưu ý: nên dán vào vùng da khô sau tai ít nhất 4 giờ trước khi lên tàu xe. Như vậy nếu sáng sớm ngày hôm sau khởi hành nên dán vào ngay đêm hôm trước khi ngủ để thuốc có đủ thời gian thấm qua da vào máu. Sau khi dán hoặc gỡ miếng cao dán nên rửa kỹ tay. Không dùng thuốc này cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Đối với trẻ em 8-15 tuổi dùng 1/2 miếng dán.
5. Cẩn thận khi dùng miếng dán chống nôn ói khi đi xe
Một bé gái bảy tuổi theo mẹ từ Đồng Tháp lên TP.HCM thăm bà con. Sợ con say xe, người mẹ đã dán hai miếng dán chống ói ở sau tai của con. Trong suốt hành trình, bé ngủ li bì. Khi đến TP.HCM, bé kêu nhức đầu, có biểu hiện rối loạn hành vi, không nhận ra người thân, nói nhảm, la hét, đập phá, nôn mửa, hoa mắt… nên gia đình vội chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cấp cứu. Kết quả chẩn đoán của bác sĩ nhận định bệnh nhi đã bị tác dụng phụ của dược chất scopolamin trong miếng dán chống ói. Đây không phải là trường hợp hy hữu, trước đó cũng đã có một số người gặp những tác dụng tương tự do sử dụng miếng dán chống ói không đúng cách
Miếng dán cũng là thuốc
Dạng thuốc là miếng băng dán (cao dán) dùng để dán lên da hiện nay không chỉ cho tác dụng tại chỗ (như cao dán Salonpas, chỉ cho tác dụng giảm đau khu trú ở vùng dán) mà còn có loại mới cho tác dụng toàn thân (dán nhưng cho tác dụng không khác uống thuốc). Dạng thuốc cho tác dụng toàn thân này còn được gọi là băng dán xuyên da.
Để chống nôn ói khi đi tàu xe, thay vì uống thuốc, ta có thể dán dạng thuốc băng dán xuyên da chứa dược chất Scopolamin. Khi dán lên da khô sau tai (dán ít nhất bốn giờ trước khi lên tàu xe để có đủ thời gian cho thuốc thấm qua da vào máu), thuốc sẽ thấm dần xuyên da qua máu với lượng đủ scopolamin có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hoá giải buồn nôn và nôn do say tàu xe. Dạng băng dán xuyên da này khá tiện lợi, vì duy trì được sự cung cấp liên tục thuốc trong thời gian dài, nếu cần có thể ngưng sự điều trị bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da.
Không phải ai cũng dùng được
Vì mang tính chất như dược phẩm nên dạng thuốc băng dán xuyên da có thể cho tác dụng phụ giống như dạng thuốc uống hay tiêm. Cụ thể, băng dán xuyên da chống nôn chứa scopolamin, bên cạnh tác dụng chống co thắt, chống nôn cũng đồng thời có thể gây tác dụng phụ gọi là “liệt đối giao cảm” (có tác động đến hệ thần kinh) làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)…Do vậy, khi dùng băng dán xuyên da chống nôn, ta cần lưu ý: không dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới tám tuổi. Trẻ em trên 8 – 15 tuổi thì dùng nửa miếng dán. Khi đang dán băng dán xuyên da và cảm thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ và các triệu chứng đã kể ở trên thì phải ngưng ngay, bằng cách bóc miếng dán ra khỏi da. Nếu thấy tình hình vẫn có vẻ nghiêm trọng, phải đi khám ở bác sĩ và kể rõ việc dùng thuốc cho bác sĩ xử trí. Sau khi dán hoặc gỡ miếng băng dán nên rửa tay cho kỹ, để thuốc không dính vào thức ăn, thức uống.
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống nấm
Bệnh nhân mắc các bệnh máu ác tính thường có giảm số lượng bạch cầu trung tính trong máu, nhất là ở những người được điều trị hoá chất chống ung thư hoặc sau ghép tuỷ xương. Điều này làm cho người bệnh luôn có nguy cơ cao bị mắc các bệnh nhiễm trùng, trong đó nhiễm nấm là một trong những nguyên nhân quan trọng làm nặng bệnh và gây tử vong.
Trong vài thập kỷ gần đây, tỷ lệ nhiễm nấm toàn thể đã được ghi nhận ngày càng tăng ở những bệnh nhân này với hầu hết các chủng nấm đã được phân lập, nhưng gặp nhiều nhất là aspergillus và candida. Khoảng 10-30% bệnh nhân bị bệnh bạch cầu cấp có nhiễm nấm candida và 10-15% bệnh nhân bị bệnh máu ác tính sau ghép tuỷ xương có nhiễm aspergillus. Các biểu hiện thường gặp của nhiễm candida toàn thể là sốt, nổi ban sẩn ngoài da, xuất hiện các đám mờ ở gan thận trên phim chụp cắt lớp hoặc viêm nội nhãn. Trong khi đó, các trường hợp nhiễm nấm aspergillus thường biểu hiện sớm với các triệu chứng của viêm phổi (như ho, khó thở, đau ngực, khạc đờm) hoặc viêm mũi xoang (sổ mũi, chảy máu mũi, đau nhức vùng xoang mặt…).
Nói chung, trong các trường hợp nhiễm nấm, điều trị càng sớm thì hiệu quả đạt được càng cao. Do đó, thuốc chống nấm nên được dùng sớm ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ, không nên chờ đến khi có đầy đủ xét nghiệm chẩn đoán. Gần đây, thuốc chống nấm cũng được khuyên dùng bao vây trong các trường hợp có giảm bạch cầu mức độ nặng và sốt kéo dài không đáp ứng với kháng sinh. Trước đây, thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm toàn thể là amphotericin B deoxycholate và dạng lipid của thuốc này. Mặc dù có phổ tác dụng khá rộng nhưng thuốc này cũng có khá nhiều tác dụng phụ như gây nhiễm độc thận, viêm tắc tĩnh mạch, thiếu máu, sốt, run, buồn nôn, nôn và có tương tác với nhiều loại thuốc nên gần đây đã được thay thế bằng nhiều thuốc chống nấm mới có tác dụng tốt hơn và ít độc tính hơn.
Hiện nay, các dẫn xuất của nhóm triazol như itraconazol, fluconazol và voriconazol là những thuốc chống nấm được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm toàn thể. Fluconazol có khả năng tan trong nước nên hấp thu tốt qua đường uống, ít gây tương tác thuốc và có tác dụng rất tốt với các loại nấm men như candida. Itraconazol có phổ tác dụng tương đối rộng nhưng hay gây tương tác thuốc và hấp thu không ổn định qua đường uống. Voriconazol là một dẫn xuất mới của nhóm azol với tác dụng tốt trên cả nấm mốc và nấm men, thuốc cũng có khả năng hấp thu tốt qua đường uống.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, trong các trường hợp nhiễm nấm aspergillus toàn thể hoặc dùng bao vây ở những bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính có sốt kéo dài, voriconazol có tác dụng tốt hơn rõ rệt so với amphotericin B. Độc tính thường gặp của các dẫn xuất nhóm azol là gây nhiễm độc gan, nổi ban đỏ, hoa mắt chóng mặt, rối loạn tiêu hoá… Riêng Voriconazol có thể gây rối loạn thị giác ở 30% số người sử dụng. Caspofungin – một dẫn xuất của nhóm echinocandin cũng rất có tác dụng tốt đối với cả nấm Candida và Aspergillus.
Các nghiên cứu cho thấy, thuốc này có tác dụng tương đương với amphotericin B trong các trường hợp nhiễm candida và aspergillus toàn thể nhưng ít tác dụng phụ hơn. Độc tính thường gặp nhất của thuốc là sốt, nổi ban đỏ, đau đầu và viêm tắc tĩnh mạch. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, phối hợp giữa caspofungin với một dẫn xuất của nhóm azol giúp tăng cường hiệu quả chống nấm nhưng cũng làm tăng độc tính và giá thành điều trị.
7. Lưu ý khi dùng thuốc Acyclovir chống virus
Acyclovir là một thuốc chống virut (nên chỉ dùng trong các trường hợp nhiễm virut, không dùng cho các bệnh nhiễm khuẩn). Thuốc được dùng trong các trường hợp: nhiễm virut Herpes simplex týp 1 và 2 ở da và niêm mạc, viêm não do Herpes simplex virus, điều trị bệnh zona, Herpes sinh dục, bệnh thủy đậu. Khi điều trị bằng acyclovir phải được bắt đầu càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu triệu chứng của bệnh. Thức ăn không làm ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc nên có thể uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn.
Tuy nhiên, khi dùng thuốc cần chú ý tới những tác dụng bất lợi không mong muốn do thuốc gây ra. Khi dùng đường uống (dùng trong thời gian ngắn), người bệnh có thể gặp triệu chứng buồn nôn, nôn; dùng kéo dài có thể gây tiêu chảy, đau bụng, nổi ban, nhức đầu (có khoảng dưới 5% người bệnh dùng thuốc kéo dài gặp các hiện tượng này).
Ở đường tiêm truyền tĩnh mạch, thường gặp nhất là viêm như viêm tĩnh mạch ở vị trí tiêm. Ít gặp hơn là các phản ứng thần kinh hoặc tâm thần (ngủ lịm, run, lẫn, ảo giác, cơn động kinh), kết tủa thuốc ở ống thận dẫn đến suy thận cấp, tăng nhất thời urê và creatinin, enzym gan trong huyết thanh, ban da, buồn nôn…
Đối với dạng kem bôi, có khi gặp cảm giác nóng bỏng (nhưng mang tính chất nhất thời) hoặc nhói ở vị trí bôi kèm theo ban đỏ nhẹ khi khô. Một số người dùng thuốc mỡ bôi mắt (điều trị các bệnh về mắt do virut) thấy nhói nhẹ ngay khi bôi hoặc bị viêm giác mạc chấm, viêm mi mắt, viêm kết mạc. Tuy nhiên không cần ngừng thuốc, các hiện tượng này sẽ khỏi mà không để lại di chứng.
Thuốc được dùng thận trọng đối với các trường hợp: người suy thận (liều dùng phải điều chỉnh theo độ thanh thải creatinin, khi tiêm truyền tĩnh mạch không được tiêm nhanh hoặc tiêm với một lượng lớn mà cần tiêm truyền tĩnh mạch chậm để tránh kết tủa thuốc trong thận.
Nguy cơ suy thận tăng lên nếu dùng đồng thời với các thuốc độc cho thận); người mang thai (chỉ nên dùng thuốc khi lợi ích điều trị hơn hẳn rủi ro có thể xảy ra với bào thai); người cho con bú (thuốc được bài tiết qua sữa mẹ, khi dùng đường uống, nên thận trọng khi dùng thuốc ở người cho con bú).
8. Lưu ý khi dùng thuốc dạng viên sủi
Hiện nay, thuốc dạng sủi rất được người bệnh ưa thích vì tiện lợi, lại có tác dụng nhanh. Tuy nhiên dù tiện ích đến đâu, cũng như các loại thuốc khác thuốc sủi cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy cần hết sức lưu ý khi sử dụng thuốc dạng sủi?
Một số ưu điểm
Thuốc dạng sủi, ngoài thành phần chính là dược chất còn có nhiều chất khác không có tác dụng điều trị, hay còn gọi là tá dược như chất tạo màu và tạo hương (hương chanh, hương cam) với mục đích giúp cho việc uống thuốc dễ dàng hơn; chất tạo sủi natri bicacbonat có tính kiềm, khi gặp chất có tính acid như vitamin C hòa trong nước, nó sẽ tạo phản ứng hóa học, trở thành muối ăn và các bọt khí CO2. Nhờ những hoạt chất này cùng với một số tá dược khác sẽ làm thúc đẩy quá trình tan các hoạt chất chính được nhanh hơn, đồng thời cũng giúp khả năng hấp thu của thuốc vào cơ thể tốt hơn.
Thuốc sủi cũng phải được dùng đúng cách.
Viên sủi thích hợp cho người bệnh khó nuốt, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi. Viên sủi khi dùng đã được hòa tan sẵn với lượng lớn nước nên sẽ đến dạ dày nhanh, đặc biệt hấp thu nhanh vào máu cho tác dụng. Vì thế, dạng thuốc viên sủi được xem là tăng nhanh độ hấp thu kể cả tác dụng của thuốc.
Những lưu ý khi dùng
Dù tiện ích đến đâu, cũng như tất cả các thuốc khác, thuốc sủi cũng có những tác dụng phụ không mong muốn. Để dùng thuốc thật an toàn, người bệnh cần lưu ý:
Thuốc phải giữ nguyên vẹn viên, phải bảo quản thật tốt để tránh hút ẩm. Không sử dụng nếu thuốc đã ẩm, đã rách khỏi vỏ thiếc.
Chỉ uống sau khi thuốc đã hòa tan hoàn toàn trong lượng nước sôi để nguội vừa đủ. Không bao giờ được bẻ nhỏ viên sủi bọt hoặc bỏ nguyên viên vào miệng để uống.
Thuốc có thể gây cảm giác ậm ạch do có nhiều hơi trong bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, vì thế không nên dùng viên thuốc sủi sau khi đã uống các loại nước giải khát có gas.
Người suy thận, tăng huyết áp (THA) đang dùng thuốc để kiểm soát THA không nên dùng viên sủi UPSA C, vì ngoài vitamin C còn có lượng muối ăn được hình thành sau phản ứng sủi bọt, lượng muối này sẽ khiến bệnh nặng thêm.
Người bình thường cũng không dùng quá 1g vitamin C/ngày, vì liều cao (trên 2g/ngày) có thể ảnh hưởng đến các xét nghiệm cận lâm sàng. Không dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi. Thận trọng khi dùng viên UPSA C cho phụ nữ có thai và cho con bú. Nên tránh uống thuốc vào cuối ngày vì thuốc có tác dụng kích thích nhẹ.
Các viên sủi giảm đau hạ sốt không dùng chung với các loại thuốc khác có chứa paracetamol vì sẽ gây quá liều điều trị. Không dùng chung với các loại thuốc có rượu. Liều thuốc được chia đều cách nhau ít nhất 4 giờ, người suy thận mỗi lần uống cách nhau ít nhất 8 giờ. Nếu dùng thuốc trong 3 ngày mà bệnh không thuyên giảm, nên đi khám bác sĩ vì dùng thuốc trong thời gian dài có nguy cơ xuất huyết. Viên sủi efferalgan codein (vỉ màu xanh có vạch đỏ) dành cho người lớn và trẻ em cân nặng trên 15kg, được chỉ định dùng trong các trường hợp đau vừa và đau nặng khi dùng các thuốc khác không kết quả.
Những người bị sỏi thận, bị canxi cao trong máu, nước tiểu có nhiều cặn sỏi… không nên dùng viên sủi UPSA C calcium hay viên calcium sadoz forte do loại thuốc này có 500mg muối khoáng canxi nên sẽ làm cho việc kết sỏi nặng hơn. Vitamin C là chất dinh dưỡng hằng ngày chỉ cần bổ sung từ 60 – 100mg là đủ, với viên sủi vitamin C 1.000mg chỉ cần uống mỗi ngày 1 viên là đủ. Vậy mà rất nhiều người uống viên sủi loại này hằng ngày và coi như một loại nước giải khát. Họ không biết rằng, uống vitamin C quá nhiều có khả năng gây tiêu chảy, loét đường tiêu hóa và có nguy cơ bị sỏi thận (sỏi oxalat).
Những người có tiền sử bệnh đau dạ dày, tá tràng, suy thận, hen suyễn… không dùng viên aspirin UPSA (thuốc giảm đau, hạ nhiệt), vì hoạt chất aspirin có thể làm bệnh nặng hơn.
Thuốc viên sủi có thể gây hại đối với người bệnh THA. Thuốc cần được bảo quản trong điều kiện tránh ẩm. Phải giữ thuốc ở nơi khô ráo, chưa dùng thì không mở lọ đựng hoặc bóc vỏ nhôm bao kín viên thuốc.
Cần để thuốc xa tầm tay của trẻ, để tránh việc trẻ tự ý dùng khi bố mẹ đi vắng. Giữ thuốc ở nhiệt độ dưới 250C, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Khi thấy có hiện tượng khác thường hoặc điều gì nghi ngờ thì cần hỏi lại ngay bác sĩ, dược sĩ.
9. Tác dụng bất lợi của thuốc kháng histamin
Loét dạ dày tá tràng có nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh khá phức tạp, có sự tham gia của nhiều yếu tố, trong đó ảnh hưởng của dịch vị dạ dày mà trực tiếp là acid HCl ở dạ dày đóng vai trò quan trọng. Mặc dù trong thời gian gần đây, sự ra đời của nhóm thuốc ức chế bơm proton đã mang lại tiến bộ rõ rệt trong điều trị, nhưng không phải ở đâu và không phải lúc nào cũng có thể sử dụng. Do đó, chúng ta vẫn phải nhắc đến vai trò và các tác dụng của một nhóm thuốc khác trong điều trị giảm tiết acid dạ dày – nhóm thuốc kháng histamin H2 mà thành viên nổi bật là cimetidin.
Các thuốc thường được sử dụng
Sau khi thử nghiệm hơn 700 hợp chất, cimetidin (biệt dược tagamet) là thế hệ đầu tiên của thuốc kháng H2, ra đời năm 1976; được phép bán ở thị trường vào tháng 8/1977, nhanh chóng được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả trong điều trị loét dạ dày tá tràng, có tác dụng cắt cơn đau nhanh, liền sẹo khoảng 80% sau 6 tuần điều trị. Cimetidin nhanh chóng trở thành thuốc chống loét được ưa chuộng và được sử dụng rộng rãi. Kể từ đó đến nay, cimetidin trở thành một trong những thuốc được kê đơn phổ biến nhất, chỉ đứng sau ranitidin.
Tháng 6/1983, ranitidin – một ức chế thụ thể H2 thứ 2 được chấp nhận, thuốc có cấu trúc hơi khác với cimetidin, gây giảm tiết dịch vị gấp 5 – 10 lần cimetidin khi sử dụng cùng liều. Tuy nhiên, thuốc cũng không làm thay đổi diễn tiến tự nhiên của bệnh. Sau đợt điều trị ngắn hạn mà dừng thuốc, tỷ lệ tái phát là 50% trong vòng 6 tháng, 85% tái phát sau 1 năm. Thuốc có ít tác dụng phụ hơn cimetidin, chủ yếu là nhức đầu, chóng mặt, ngứa…, ngừng thuốc thì hết.
Tháng 10/1986 và tháng 8/1988, famotidin và nizatidin lần lượt được chấp nhận, có tác dụng mạnh hơn và ít tác dụng phụ hơn cimetidin rất nhiều.
Chỉ định điều trị
Do công thức gần giống với histamin, các thuốc kháng histamin H2 tranh chấp với histamin tại receptor H2 và không có tác dụng trên receptor H1. Tuy receptor H2 có ở nhiều mô như thành mạch, khí quản, tim nhưng thuốc kháng histamin H2 tác dụng chủ yếu tại các receptor H2 ở dạ dày.
Thuốc kháng histamin H2 ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày (cường phó giao cảm, thức ăn, gastrin, bài tiết cơ sở). Do đó, nó không chỉ ức chế sau khi kích thích bằng histamin mà còn cả sau kích thích bằng gastrin hoặc acetylcholin. Liều lượng nhằm làm giảm tiết acid tương đương hiệu quả của cắt dây X (dây thần kinh phế vị).
Tác dụng của thuốc kháng histamin H2 phụ thuộc vào liều lượng, thuốc làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ HCl trong dịch vị.
Histamin có ở nhiều mô như thành mạch, khí quản, tim…Vì vậy, thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau:
–Loét dạ dày-tá tràng lành tính, kể cả loét do dùng thuốc chống viêm không steroid. Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Hội chứng tăng tiết acid dịch vị (hội chứng Zollinger – Ellison).
–Làm giảm tiết acid dịch vị trong một số trường hợp loét đường tiêu hóa khác có liên quan đến tăng tiết dịch vị như loét miệng nối dạ dày-ruột.
–Làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nóng rát, khó tiêu, ợ chua) do thừa acid dịch vị.
–Làm giảm nguy cơ hít phải acid dịch vị khi gây mê hoặc khi sinh đẻ (hội chứng Mendelson).
Chống chỉ định và thận trọng
Chống chỉ định trong những trường hợp: quá mẫn với thuốc.Thận trọng: trước khi dùng thuốc kháng histamin H2, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, đặc biệt ở người từ trung niên trở lên vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư;
Có nhạy cảm chéo giữa các thuốc trong nhóm kháng histamin H2.
Dùng thận trọng, giảm liều và/hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng thuốc ở người suy thận; Thận trọng ở người suy gan, phụ nữ có thai và cho con bú (ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú).
Tác dụng không mong muốn
Các chất đối kháng H2 có tính chất giống nhau, nó đã được chấp nhận rộng rãi, tuy nhiên, cimetidin dường như gây ra tương tác với các thuốc chuyển hóa ở gan hơn các thuốc khác. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh có thể gặp những triệu chứng bất thường do thuốc gây nên như: tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, ngủ gà, lú lẫn, trầm cảm, kích động… hay chứng to vú ở đàn ông, bất lực ở đàn ông, tăng men gan. Viêm gan mạn tính, vàng da, rối loạn chức năng gan, viêm tụy có thể xảy ra. Các phản ứng này cũng sẽ khỏi khi ngừng thuốc… Đây là những tác dụng phụ của thuốc, những triệu chứng này có thể gặp ngay cả ở liều điều trị.
Ngoài ra, các thuốc thuộc nhóm này còn gây tương tác với rất nhiều thuốc khác, vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà phải tuân theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị.
10. Mặt trái của thuốc bổ
Thuốc bổ là tên gọi chung cho các thuốc mà thành phần của nó thường là các vitamin, chất khoáng, acid amin (hợp chất đơn giản do chuyển hóa chất đạm tạo thành)…
Các thuốc này có tác dụng làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể, bồi bổ xương khớp, chống loãng xương. Với quan niệm, dùng thuốc bổ không “bổ dọc” thì cũng “bổ ngang”, nên nhiều người dùng thuốc vô tội vạ mà không biết rằng, thuốc bổ cũng nguy hại cho sức khỏe nếu dùng quá liều, dùng không đúng cách.
Bổ sung vitamin bằng việc sử dụng thực phẩm hợp lý là cách tốt nhất. Các loại thuốc bổ gồm có các nhóm:
Thuốc chống ôxy hóa
Loại thuốc này được nhiều người ưa chuộng nhất vì có tác dụng làm tăng tuổi thọ tế bào, lại phòng ngừa được các bệnh nguy hiểm như tim mạch, tăng huyết áp, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn thị giác… Do trong thuốc có vitamin E và vitamin C, nên nếu lạm dụng sẽ dẫn đến hậu quả là làm cạn kiệt vitamin A; hoặc gây khó khăn cho việc hấp thu vitamin D khi dùng quá liều vitamin E; gây viêm loét dạ dày, ruột, viêm bàng quang, ống tiết niệu khi dùng vitamin C quá 500mg/ngày.
Thuốc đa vitamin
Trong thành phần của thuốc có rất nhiều vitamin thiết yếu như các vitamin nhóm B, vitamin C, D, E, PP. Thuốc bổ vitamin thường được nhiều người sử dụng để tăng cường sức lực, chống mệt mỏi, bồi bổ cơ thể sau khi ốm… Nếu sử dụng thuốc đa vitamin trong thời gian dài sẽ gây những phản ứng phụ do thừa một vài vitamin nào đó.
Chẳng hạn, thừa vitamin D sẽ gây tăng canxi máu, gây canxi hóa mô mềm, xương hóa sụn sớm, suy thận; thừa vitamin A sẽ gây nhức đầu, tăng áp lực nội sọ, viêm da, dễ tử vong… Chỉ nên bổ sung vitamin bằng thuốc khi có các triệu chứng bệnh lý điển hình do thiếu vitamin nào đó. Chẳng hạn khi bị phù thũng, ăn chậm tiêu… cần bổ sung vitamin B1; trẻ bị còi xương phải được uống vitamin D… Tuy nhiên, bổ sung vitamin gì, liều lượng bao nhiêu… phải có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc đa khoáng chất
Đây là loại thuốc ngoài các vitamin thiết yếu còn được bổ sung các khoáng chất như canxi, sắt, magiê, iod… Thuốc bổ đa khoáng chất nếu dùng quá liều hoặc dùng dài ngày sẽ dẫn đến các tác hại nguy hiểm do thừa khoáng chất.
Thuốc có acid amin
Có khoảng 20 acid amin rất cần cho cơ thể. Do tình trạng ăn uống thiếu cân bằng nên cơ thể chúng ta hầu hết thiếu hụt các acid amin. Việc dùng các thuốc có bổ sung các acid amin là cần thiết nhưng chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc 3B
Thông thường, viên 3B được dùng để phòng đau nhức thần kinh, cơ bắp, thấp khớp và suy dinh dưỡng. Viên 3B là sự phối hợp của vitamin B1, B6 và B12 trong 1 viên, với hàm lượng trong mỗi viên gấp hàng trăm lần nhu cầu bình thường hằng ngày. Chính vì thế, khi sử dụng thuốc bổ 3B cần phải theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc vitamin C
Có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể, chống chảy máu chân răng, chống lão hóa, giảm dị ứng, nhiễm trùng. Nhưng không vì thế mà sử dụng thường xuyên, vì vitamin C cũng có tác dụng phụ. Dùng trên 1000mg/ngày trở lên có thể viêm loét dạ dày, ruột, gây tiêu chảy, viêm bàng quang, ống tiết niệu, do acid ascorbic. Dùng trên 2g/ngày sẽ gây mất ngủ, tạo sỏi oxalat, ức chế bài tiết insulin, tăng huyết áp, tổn thương thận do tăng tổng hợp corticoit và catecholamin.
Thuốc chống loãng xương
Đây là thuốc bổ hỗn hợp giữa canxi và vitamin D, có tác dụng phòng chống loãng xương rất hiệu quả. Nhưng không vì thế mà lạm dụng vì dễ dẫn đến tăng canxi máu, gây vôi hóa mô mềm, xương hóa sụn và suy thận.
Phải cẩn trọng khi dùng
Bất cứ thuốc nào, kể cả thuốc bổ đều có khả năng gây tai biến cho người sử dụng nếu dùng không đúng cách, đúng liều. Không chỉ bệnh tật mà chính tai biến do thuốc là nguyên nhân gây thương vong rất lớn cho con người. Ở Mỹ, người ta ước tính hằng năm phải tiêu tốn khoảng 150 tỉ USD để xử lý tai biến do thuốc, có 5 – 20% bệnh nhân nhập viện phải gánh chịu tai biến do thuốc trong suốt thời gian nằm viện, hoặc có khá nhiều người không cứu được, dẫn đến tử vong…
Thuốc là con dao hai lưỡi, vì thế chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng, tốt nhất nên đến bác sĩ khám để được chỉ định dùng đúng thuốc. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
11. Cần chú ý tới độc tính của albendazol khi dùng liều cao
Albendazol là một trong những thuốc dùng trong điều trị giun, sán (ký sinh trùng). Với liều thấp một lần duy nhất thì tính độc hầu như ít thể hiện, nhưng trong trường hợp phải điều trị với liều cao, kéo dài thì cần phải chú ý tới độc tính của thuốc này.
Khi nào thì phải dùng liều cao?
Ký sinh trùng tùy theo loại, có thể tồn tại phát triển ở cơ thể người tại ruột, máu, trong các mô, tổ chức, kể cả não, dưới các thể trứng, ấu trùng, con trưởng thành. Một vòng đời hoàn chỉnh của ký sinh trùng gồm một giai đoạn tồn tại phát triển ở người, còn giai đoạn khác lại tồn tại phát triển ở vật chủ.
Albendazol có tác dụng diệt ký sinh trùng trong giai đoạn ở người tức là làm gián đoạn phá vỡ một phần vòng đời của ký sinh trùng. Sau đó nếu dự phòng tốt không bị nhiễm lại thì ký sinh trùng coi như không có trong người nữa.
Đối với các loại như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim chỉ cần dùng liều thấp (một lần duy nhất) thì albendazol chỉ hấp thu vào máu 5% còn lại nằm trong đường ruột, tiêu diệt các thể của ký sinh trùng tại đó. Như vậy mới đạt mục tiêu điều trị. Trong trường hợp này, albendazol và chất trung gian (sulphoxid) hầu như có rất ít ở máu nên ít độc.
Trường hợp nhiễm giun lươn, ấu trùng sán lợn ở não, ấu trùng giun tròn ở chó mèo… thì phải dùng tới liều cao (gấp đôi), dài ngày (5 – 21 – 28 – …. ngày, tùy theo loại hoặc thể của ký sinh trùng) thì albendazol và chất chuyển hóa (sulfoxid) có nồng độ cao trong máu, đi vào các mô, các tổ chức, đi qua hàng rào máu não vào được não, tiêu diệt các thể ký sinh trùng tại đó mới đạt được mục tiêu điều trị.
Trong trường hợp này, albendazol và chất trung gian (sulphoxid) có nồng độ cao ở máu, các mô, kể cả não nên gây ra các tác dụng phụ toàn thân, tại các tổ chức, kể cả ở não.
Độc tính và cách khắc phục
Khi gặp độc tính của albendazol do dùng liều cao, kéo dài toàn thân sẽ có biểu hiện sốt (sốt không cao nhưng kéo dài sau mỗi lần uống thuốc). Người bệnh không cần phải ngừng thuốc, song nên ăn chất mát, uống nhiều nước, tắm rửa sạch sẽ, mặc và ở nới thoáng mát sẽ nhẹ bớt cảm giác bứt rứt. Có thể nổi mày đay toàn thân (những người quá mẫn cảm với thuốc không nên dùng đặc biệt là dùng dài ngày).
Ngoài ra, người bệnh còn thấy nhức đầu, chóng mặt, tăng áp suất nội sọ và có thể ảnh hưởng tới võng mạc tuy rất hiếm. Dù biết vậy nhưng cũng có lúc vẫn phải dùng (như trong điều trị ấu trùng sán lợn có tổn thương ở não). Trong trường hợp này, cách khắc phục là nên dùng thêm corticoid (tiêm tĩnh mạch hay uống) và thuốc chống co giật (ngăn cơn tăng áp suất nội sọ). Riêng với võng mạc, cần xem xét võng mạc trước và cân nhắc có dùng hay không tùy theo giữa lợi ích và nguy cơ…
Khi ăn nhiều chất béo (mỡ), nồng độ albendazol và chất trung gian trong máu tăng lên gấp 2-4 lần, sẽ gây độc nhiều hơn. Cần tránh ăn nhiều chất béo khi dùng thuốc, đặc biệt khi dùng dài ngày.
Vì những nguy cơ gây độc này, nên khi quyết định dùng thuốc liều cao hoặc dài ngày cần hết sức thận trọng. Khi có kết quả xét nghiệm và lâm sàng xác định chắc chắn có nhiễm loại (thể) ký sinh trùng trên mới được dùng liều cao và kéo dài và cần phải theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời các tai biến (nếu có).
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung,
Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang, Cn. Phạm Thanh Hiền