TS Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Quản lý Giá thuốc (Cục Quản lý Dược) cho biết, qua kiểm tra, rà soát phát hiện 1.200 mặt hàng thuốc này kê khai chưa hợp lý về giá và Cục đã yêu cầu doanh nghiệp giải trình, rà soát, điều chỉnh lại giá kê khai.
Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các doanh nghiệp xem xét giảm giá, bình ổn đối với 704 mặt hàng trong số 944 mặt hàng thuốc nhập khẩu đề nghị điều chỉnh giá. Các Sở Y tế đã tổ chức xem xét cho điều chỉnh giá 597 mặt hàng thuốc sản xuất trong nước. Như vậy tổng có 837 mặt hàng thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước được điều chỉnh giá, chiếm 3,8% tổng số mặt hàng thuốc đang lưu hành trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, dù giá thuốc biệt dược ở Việt Nam ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, giá thuốc generic ở Việt Nam ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, song vẫn tồn tại bất hợp lý. Vẫn còn tình trạng giá thuốc trong BV có giá cao hơn thị trường và thuốc còn phân phối lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá thuốc lên cao bất hợp lý. Nhiều hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn thuốc biệt dược nhập ngoại để hưởng chênh lệch…
“Trong khi tiền thuốc chiếm rất lớn, từ 50-60% chi phí y tế. Hệ thống BV công lập cũng sử dụng khoảng 40% tổng trị giá tiền thuốc sử dụng trong cả nước và 2/3 các đơn vị mua thuốc thông qua đấu thầu tập trung. Vì thế, thông tư hướng dẫn mới về đấu thầu thuốc đã chặt chẽ hơn, giúp giảm tiêu cực, làm những đơn vị muốn gian lận để “ăn” chênh lệch giá rất khó khăn. Sẽ không còn tình trạng cùng một loại thuốc nhưng khi trúng thầu với nhiều mức giá hay tình trạng đưa ra mức giá cao vẫn trúng thầu, vì theo nguyên tắc, khi đạt đủ tiêu chuẩn vào vòng đấu thầu trong, đơn vị nào đưa ra mức giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Việc kiểm soát được giá thuốc sẽ kiểm soát được cả chi phí điều trị, không để BHYT phải bội chi vì tiền thuốc”, bà Tiến nói.
Hồng Hải