Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Ở Đông Nam Á, thuốc giả chiếm tới 30% tổng số dược phẩm bán ra

Ở Đông Nam Á, thuốc giả chiếm tới 30% tổng số dược phẩm bán ra

Phóng viên Truyền hình Việt Nam tại Bruxelles, Vương quốc Bỉ điểm lại một số bài viết trên các báo châu Âu về nạn dược phẩm giả.

Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol đã tiến hành một đợt truy quét trên diện rộng, kéo dài một tuần và kết thúc vào hôm thứ Ba tuần trước nhằm vào các công ty bán dược phẩm qua mạng Internet. Ý chính mà các báo châu Âu đều nhấn mạnh khi đưa tin này là không bao giờ nên mua thuốc chữa bệnh qua mạng Internet.

Báo Thư tín Halifax của Anh cho biết, chỉ trong vòng một tuần (từ 13 đến 20/5), Cảnh sát và Hải quan của 110 quốc gia tham gia chiến dịch có tên Pangea đã thu giữ một lượng dược phẩm giả, trị giá tới 30 triệu USD. Hơn 10.000 trang web bán thuốc qua mạng bị buộc phải đóng cửa, Cảnh sát cũng đã bắt 237 người. Trong số dược phẩm giả bị thu giữ, có nhiều thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm và thuốc điều trị bệnh tiểu đường.

Mua thuốc qua mạng quá dễ dàng, khách hàng chỉ cần lên mạng, chọn thuốc mình cần, trả tiền qua mạng. Bên bán gửi thuốc cho khách hàng qua đường bưu điện. Theo báo Tin mới của Thụy Điển, trong buổi họp báo công bố sự việc vào giữa tuần trước, Interpol cho biết, trong vòng một tuần, Cảnh sát kiểm tra ngẫu nhiên 540.000 bưu phẩm và thu giữ trong số đó tới 20.000 hộp chứa dược phẩm giả. Thuốc chữa bệnh giả đã trở thành mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất qua đường bưu điện công khai.

Bọn tội phạm rất nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường. Năm 2010, chúng làm giả cả vaccine phòng chống cúm gà, trong thời điểm nhiều quốc gia đều có nhu cầu nhập khẩu với số lượng lớn loại vaccine này. Một số loại thuốc đắt tiền như thuốc điều trị ung thư cũng thường bị làm giả. Báo Tấm gương hàng ngày của Đức đưa tin, hồi giữa tháng trước, thuốc Herceptin chống ung thư bị làm giả đã xuất hiện trên thị trường Đức, Thụy Điển, Phần Lan và Anh. Một loại thuốc chống ung thư khác là Avastin cũng bị làm giả được bán cả tại Mỹ và châu Âu.

Bọn tội phạm nhập lậu dược phẩm qua đường hàng không và đường biển. Theo báo Thế giới của Pháp, tháng 10 năm ngoái, hải quan sân bay Zurich tại Thụy Sĩ đã bắt giữ lô hàng 1 triệu viên Xanax, chữa bệnh trầm cảm, thuốc giả chế tạo tại Trung Quốc, vận chuyển theo đường hàng không qua Thụy Sĩ, với đích đến cuối cùng là Ai Cập.

Hồi tháng Hai vừa qua, Cảnh sát Pháp cũng đã phát hiện lô hàng 13 tấn dược phẩm giả sản xuất tại Trung Quốc và đang trên đường tới Vương quốc Bỉ. Gần 2 triệu rưỡi viên thuốc giả, phần lớn là Viagra giả, được đóng trong các thùng carton dán nhãn “Trà Trung Quốc”.

Các loại thuốc rẻ tiền hơn cũng bị làm giả. Báo Le Figaro lưu ý, tại các nước đang phát triển, trên thị trường có cả thuốc chống sốt rét, thuốc chống lao và thuốc điều trị AIDS bị làm giả. Bài báo trích đăng nguồn của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tính trung bình trên toàn thế giới thì tỷ lệ thuốc giả là 10%. Ước tính tại một số nước châu Phi và Đông Nam châu Á, thuốc giả chiếm tới 30% tổng số dược phẩm bán ra, còn tại Nigeria và Guinee, cứ 10 viên thuốc bán ra có tới 6 viên là thuốc giả. Bài báo nhấn mạnh, tại các nước đang phát triển, thuốc giả tràn vào cả các hiệu thuốc được đăng ký chính thức, chứ không chỉ được bán qua mạng.

 

Hồng Quang – Triệu Hà

Nhận xét sản phẩm: "Ở Đông Nam Á, thuốc giả chiếm tới 30% tổng số dược phẩm bán ra"