Một loại thực phẩm chức năng khác (xuất xứ Hàn Quốc) được đơn vị phân phối quảng cáo có khả năng “phòng và chữa các bệnh như tiểu đường, mỡ nhiễm máu, các bệnh về gan, mật, thận suy, điều hoà huyết áp, suy nhược, béo phì, thuốc bồi bổ chống suy dinh dưỡng, hậu sản, bổ âm”.
Ngoài ra, thực phẩm chức năng này còn được quảng cáo có tác dụng tiêu diệt, ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư, hồ trợ điều trị ung thư, điều hoà huyết áp, giảm cholestrerol và xơ vữa động mạch.
Nhiều người mua dùng sau đó đã thốt lên: Giá mà nhà phân phối đưa ra cũng rất “tương xứng” với công dụng trong quảng cáo trên với mức gần 2 triệu đồng/hộp!
Đọc những đoạn quảng cáo trên, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong quá trình duyệt nội dung quảng cáo, cơ quan quản lý không bao giờ cho phép dùng những từ ngữ như trên.
“Những từ như trên và những cụm từ như “tối ưu”, “tốt nhất”, “hiệu quả nhất” không được phép xuất hiện trong quảng cáo. Ngôn từ đó vừa dễ gây hiểu nhầm về công dụng của thực phẩm chức năng, vừa không phù hợp với thuần phong mỹ tục khi đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng”, ông Phong nói.
Các dịp đi công tác địa phương, ông Phong cũng “giật mình” vì những đoạn quảng cáo phóng đại của các loại thực phẩm chức năng trên đài truyền hình, báo chí địa phương, nghe quảng cáo xong thì thấy loại thực phẩm chức năng đó chẳng khác nào thần dược.
Đây cũng là kiểu sai phạm phổ biến nhất trong việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay.
Tràn lan, khó đánh giá hiệu quả
Theo thống kê, hiện cả nước ta có khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng trong đó có đến 40% là sản phẩm nhập khẩu.
Thị trường này vẫn đang tiếp tục phát triển với tốc độ cao, chỉ trong 3 năm trở lại đây đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng.
Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường thực phẩm chức năng được đánh giá là phản ánh khá sát với xu hướng tiêu dùng, ăn uống và chăm sóc sức khỏe của người dân trong một xã hội đang phát triển, có mức độ đô thị hóa cao.
Tuy nhiên, tác dụng và sự thay đổi về sức khỏe do thực phẩm chức năng mang lại hiện vẫn còn là một dấu chấm hỏi.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại “Hội thảo về vai trò của thực phẩm chức năng và công tác quản lý” được tổ chức vào cuối năm 2012 thì hiện nay, các bằng chứng khoa học mạnh mẽ, thuyết phục về hiệu quả của thực phẩm chức năng tại nước ta vẫn còn là một khoảng trống.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khi cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải cung cấp phiếu kiểm nghiệm chất lượng của đơn vị kiểm nghiệm được cấp phép. Qua đó, để chứng nhận các chỉ tiêu đánh giá thành phần làm nên thực phẩm chức năng, xem các chỉ tiêu đó có đảm bảo hay không.
Do đó, ông Phong cho rằng, với các sản phẩm được cấp phép lưu hành trên thị trường mà người tiêu dùng phản ánh là “không thấy hiệu quả rõ rệt” thì tự người tiêu dùng sẽ đánh giá được sau quá trình sử dụng và từ chối những sản phẩm đó.
Theo Cẩm Quyên – Vietnamnet