Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Những phương thuốc sai lầm… chết người

Những phương thuốc sai lầm… chết người

 

Hồng phiến và LSD điều trị bệnh nhân tâm thần

Hồng phiến và LSD được tổng hợp năm 1912 với tên khoa học là 3,4-methylen dioxymentamphetamin (MDMA). Vào khoảng những năm 1950 – 1960, MDMA được một số bác sĩ chuyên khoa tâm thần Hoa Kỳ cho sử dụng như một phương pháp điều trị hỗ trợ liệu pháp tâm lý đối với 40.000 bệnh nhân.

Nhưng kết quả lại đi ngược lại những gì các nhà nghiên cứu hy vọng, loại thuốc này gây ra những cơn hoảng sợ hay cảm giác lo lắng cực độ. Vì vậy, những bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt hay trầm cảm càng rơi vào trạng thái trầm trọng hơn. Đối với những người không mắc bệnh tâm thần, hồng phiến và LSD cũng gây ảo giác, rối loạn. Do đó, đến năm 1970, Đạo luật kiểm soát chất đã ra lệnh cấm không được sử dụng hồng phiến và LSD vào việc điều trị cho người bệnh tâm thần.

Nước nhiễm phóng xạ chữa bách bệnh

Vào năm 1913, các nhà sản xuất thuốc đã có chương trình quảng cáo rất lớn về tác dụng của loại nước thần kỳ này. Quảng cáo về công dụng của nước nhiễm phóng xạ hay còn gọi là nước radium cho thấy nó có khả năng chữa được bách bệnh từ viêm khớp đến tăng huyết áp hay mụn trứng cá. Thật không may cho những người tin và sử dụng loại nước này. Vì các nhà sản xuất không chú thích về tác dụng phụ của nó như: ung thư, rụng tóc, hỏng răng và bào mòn xương, toàn thân ê ẩm (đây là những triệu chứng của người bị nhiễm độc phóng xạ).

Asen chữa sốt rét, giang mai, làm đẹp

Asen hay còn gọi là thạch tín có tính độc và nguy hiểm với môi trường, nhưng trong nhiều thế kỷ trước đây, nó đã được sử dụng như một loại thuốc. Asen cũng là một thành phần quan trọng trong nhiều loại thuốc được cấp bằng sáng chế, bao gồm cả sáng chế về chữa bệnh sốt rét và giang mai, được sử dụng từ cuối thế kỷ 18 đến những năm 1950. Một sáng chế nữa có chứa thành phần asen đã được cấp bằng đó là của Donovan, dùng để điều trị viêm khớp, đái tháo đường. Những người phụ nữ sống dưới thời Victoria cũng thường xuyên sử dụng thạch tín như một loại mỹ phẩm để làm đẹp.

Dùng chất thải để tránh thai

Thời Ai Cập cổ đại, biện pháp tránh thai phổ biến là sử dụng phân cá sấu khô. Phân khô được đưa vào âm đạo vì mọi người cho rằng nhiệt độ trong cơ thể sẽ làm phân mềm ra và tạo thành rào cản, tinh trùng không thể vượt qua. Do đó, khó có thể mang thai. Phân được sử dụng vào rất nhiều mục đích y tế khác. Ngoài Ai Cập, châu Phi cổ đại cũng sử dụng phân voi để làm biện pháp tránh thai. Vào thế kỷ 17, ở Anh, các bác sĩ khuyên người bệnh nên sử dụng phân gà để chữa bệnh hói đầu. Tại Ấn Độ, mỹ phẩm và thuốc tẩm phân bò được sử dụng như phương pháp hữu hiệu để chữa trị tất cả các loại bệnh. Một công thức chế từ phân nữa đó là để giảm đau họng, người ta trộn một hỗn hợp bao gồm các graecum (phân chó sấy khô), công thức này được ghi trong cuốn “Các công thức y học phổ biến, 1650 – 1850”. Thực tế, việc sử dụng phân làm thuốc gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn rất lớn. Không biết hiệu quả sử dụng những loại “thuốc” này đến đâu nhưng việc mắc thêm các căn bệnh khác là điều không tránh khỏi. Ngày nay, ô nhiễm nguồn nước bởi phân ở các nước đang phát triển ước tính làm tử vong 1,8 triệu ca mỗi năm.

Thủy ngân làm thuốc trường sinh

Thời xưa, thủy ngân là phương thuốc nổi tiếng chữa các bệnh: giang mai, khó tiêu và rất nhiều bệnh khác. Rất nhiều người nổi tiếng thời cổ đã dùng liệu pháp này: Tần Thủy Hoàng, người luôn coi thủy ngân là phương thuốc mang lại sự bất tử. Ngay cả Abraham Lincoln cũng từng có thói quen sử dụng thuốc có thành phần thủy ngân. Các nhà khoa học ngày nay cho biết, khi thủy ngân tích tụ trong máu đến một mức độ nhất định, các độc tố của thủy ngân có thể gây tê liệt, mất trí, mất kiểm soát hành vi, lở loét, thần kinh tổn thương và cuối cùng là tử vong. Vì vậy, nó hoàn toàn không phải là thần dược giúp trường sinh hay trẻ hóa như mọi người đã từng tin.

Sán dây giúp giảm cân

Trong thế kỷ 19, việc ăn kiêng đã trở thành mục tiêu kinh doanh lớn. Các chương trình quảng cáo thi nhau khuếch trương nhiều loại thuốc giúp quá trình ăn kiêng hiệu quả và thần tốc. Trong những năm 1900, chế độ ăn sán dây bắt đầu bùng nổ. Người ăn kiêng sẽ bổ sung sản phẩm có sán dây. Lý thuyết thời đó cho rằng, sán dây sẽ phát triển trong hệ đường ruột và tiêu thụ hết thức ăn, khiến ruột không hấp thu được nhiều dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp giảm cân nhanh chóng nhưng đi kèm với đó là hiện tượng nôn mửa, tiêu chảy.  Khi đạt được trọng lượng mong muốn, người đó sẽ uống một liều thuốc tẩy ký sinh trùng sán dây, họ tin rằng như vậy sẽ tiêu diệt toàn bộ sán dây trong hệ đường ruột của mình. Nhưng phương pháp này chứa đựng rất nhiều rủi ro. Các nhà quảng cáo không cảnh báo cho họ biết rằng, sán dây có thể phát triển dài tới 9m và cũng có thể gây ra các bệnh: đau đầu, các vấn đề về mắt, viêm màng não, động kinh và mất trí nhớ.

Trinh nữ chữa bệnh STD

Có một quan niệm đáng lo ngại nhưng phổ biến trước đây cho rằng nếu một người bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) thì bằng cách quan hệ với trinh nữ sẽ hoàn toàn khỏi bệnh. Từ thế kỷ 16, khi trường hợp đầu tiên mắc bệnh giang mai và bệnh lậu ở châu Âu, quan niệm này bắt đầu được hình thành và nhanh chóng lan truyền sang một số vùng của châu Phi. Có thể khẳng định rằng, quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Việc không chữa trị bệnh tận gốc và sử dụng phương pháp quan hệ với trinh nữ càng làm cho STD phát triển ở mức báo động.

Bột xác ướp chữa bách bệnh

Thời Trung cổ ở châu Âu và Trung Đông, xác ướp được nghiền thành bột và sử dụng làm thuốc. Mọi người quan niệm loại “thuốc bột xác ướp” này chữa được bách bệnh: từ đau đầu, ho, viêm loét dạ dày, thậm chí còn được sử dụng để giải độc đối với các trường hợp ngộ độc. Đến thế kỷ 17, bác sĩ phẫu thuật người Pháp, Ambrose Pere đã công bố kết luận: loại “thuốc” này không những không tốt mà nó còn là nguyên nhân gây đau dạ dày, hơi thở có mùi hôi, thậm chí gây nôn mửa nghiêm trọng. Đó còn chưa kể đến những vi khuẩn gây bệnh tiềm tàng trong xác ướp.

Minh Huệ

Bài thuốc nam lành tính hay khác điều trị bệnh trĩ tại nhà thuốc nam An Dược !

Nhận xét sản phẩm: "Những phương thuốc sai lầm… chết người"