Giải pháp nào để nâng cao y đức của cán bộ y tế; nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; công tác đảm bảo ATVSTP; hiệu quả của Đường dây nóng y tế; hạn chế tai biến y khoa… là những vấn đề được các đại biểu quốc hội đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 1/4.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn
Nâng cao y đức: làm nghiêm để tăng sự hài lòng của người dân
Trả lời câu hỏi của đại biểu (ĐB) Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về việc ngành y tế sẽ tiếp tục có những giải pháp gì về vấn đề nâng cao y đức? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề y đức luôn nóng bỏng và nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngay từ thời mới hình thành nghề y, đã có lời thề về y đức, tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số ít cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực, gây phiền hà cho người bệnh, gây bức xúc trong xã hội.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành nhiều văn bản liên quan đến vấn đề này, đặc biệt, lần đầu tiên một Thông tư liên quan đến vấn đề ứng xử của cán bộ y tế đã được ban hành nhằm tạo nên hành lang pháp lý để có chế tài khen thưởng, xử phạt rõ những cán bộ y tế sai phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức 11 lớp tập huấn về quy cách ứng xử trong ngành y tế với gần 6.000 cán bộ y tế theo học…
Liên quan đến nội dung này, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), ĐB Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) đã đặt câu hỏi về hiệu quả của đường dây nóng (ĐDN) y tế như thế nào? Bộ trưởng cho biết, sau 6 tháng triển khai thực hiện ĐDN y tế, đã có 6.700 cuộc gọi đến ĐDN, trong đó có hơn 2.000 cuộc gọi đúng về nội dung tiếp nhận của ĐDN. Trong số đó, có 40% cuộc gọi liên quan đến thái độ của cán bộ y tế, 12% cuộc gọi liên quan đến vấn đề viện phí, 22% cuộc gọi phàn nàn về việc làm sai quy định về quy trình, quy định tại BV và 25% cuộc gọi phàn nàn về cơ sở vật chất… Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều thư khen ngợi các thầy thuốc gửi đến báo Sức khỏe&Đời sống. Qua các kênh thông tin này, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế các địa phương đã tìm hiểu, xác minh. Đối với những cá nhân, đơn vị xuất sắc, chúng tôi đã kịp thời khen thưởng để động viên các thầy thuốc. Đối với các trường hợp sai phạm về y đức, thái độ ứng xử với người bệnh, người nhà bệnh nhân…, chúng tôi đã có nhiều hình thức xử lý nghiêm như phê bình, cảnh cáo trong giao ban toàn BV, luân chuyển vị trí công tác, cắt thi đua…
Đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng y tế cơ sở
Theo một số đại biểu, ngành y tế chưa giải quyết căn cơ việc bệnh nhân vượt tuyến và đặt vấn đề khi nào Bộ Y tế giải quyết được tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, giảm tải BV tuyến trên, nâng cao chất lượng y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đều không có bác sĩ làm tuyến xã. Để giải quyết được vấn đề này thì điều quan trọng là kỹ thuật cao phải được thực hiện tại tuyến cơ sở. Vì vậy, Bộ Y tế đã triển khai các Đề án để nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở như đề án BV vệ tinh; Đề án 1816; Đề án đưa bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn về công tác tại các huyện nghèo… Bên cạnh đó, Bộ Y tế hiện đang phối hợp với Bộ Tài chính để có cơ chế tài chính phù hợp nhằm thực hiện việc hàng năm luân phiên bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới để tuyến dưới luôn luôn có bác sĩ tuyến trên về công tác. “Tất cả các giải pháp này nhằm làm cho chất lượng y tế cơ sở nâng lên, góp phần giảm tải cho tuyến trên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời chất vấn về việc cấp phép và quản lý các cơ sở y tế tư nhân của ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Bộ trưởng nói: Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cơ sở y tế hoạt động không phép là có những thủ tục rất khó thực hiện và phải chờ đợi lâu, như lý lịch tư pháp… Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã thống nhất giải pháp tháo gỡ cho cơ sở y tế tư nhân được hoạt động trước khi được cấp những thủ tục vừa nêu. Còn việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân, Bộ đã phân cấp rõ, chủ yếu là do Sở Y tế các tỉnh, thành cấp phép và quản lý.
Không có việc thuốc kém chất lượng vào BV
Trước câu hỏi của ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) về vấn đề giải pháp của Bộ Y tế để “kéo” giá thuốc xuống và liệu có tình trạng thuốc kém chất lượng vào BV? Bộ trưởng khẳng định: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch Đầu tư, năm 2013, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45%, thấp hơn mức độ tăng giá của CPI (6,04%) và đứng thứ 9/11 nhóm hàng trọng yếu. Chỉ số giá dược phẩm 3 tháng đầu năm 2014 là 0,6% so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là 0,8% sẽ dự báo chỉ số giá nhóm hàng dược phẩm, y tế trong năm 2014 thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng.
Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc theo các thông tư mới, theo Bộ trưởng thì hiệu quả kinh tế của các gói thầu thuốc do ngân sách nhà nước, BHYT chi trả đã được cải thiện rõ ràng. Phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới và báo cáo về Bộ Y tế cho thấy, so sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các BV) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ đồng. Đồng thời, việc đấu thầu theo các hướng dẫn mới làm tăng tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước đáng kể về cả số lượng và giá trị vào các BV. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, đối với các ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu theo quy định mới có chất lượng không đảm bảo là hoàn toàn không có cơ sở vì các thuốc trước khi lưu hành vào Việt Nam phải qua thẩm định chặt chẽ mới được cấp phép lưu hành. Do đó, không có chuyện thuốc kém chất lượng được đấu thầu vào BV.
Về công tác VSATTP, trả lời băn khoăn của một số ĐB đưa ra về vấn đề ngộ độc thực phẩm gây nguy cơ ung thư, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá hoang mang vì thông tin thực phẩm gây ung thư. Hiện nay, ung thư có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra: do môi trường sống, do di truyền và biến đổi gen… Thực phẩm cũng là một yếu tố nếu có nấm mốc. Tuy nhiên, coi ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân gây ung thư là không có căn cứ.
Trước câu hỏi của một số ÐB về vấn đề sai sót y khoa, tai biến trong y khoa, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, tai biến y khoa là điều không ai làm nghề y mong muốn xảy ra, tuy nhiên, có những trường hợp tai biến vượt tầm của thầy thuốc, của y văn thế giới. Ở các nước phát triển càng phát sinh tai biến y khoa ở trình độ cao. Như ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 12.000 vụ tai biến y khoa.
Riêng vụ trẻ em tử vong sau tiêm vaccin viêm gan B ở Quảng Trị là do y tá đã nhìn nhầm 3 lọ thuốc tiêm cho 3 trẻ giống với lọ vaccin viêm gan B do không làm đúng chuyên môn kỹ thuật.