Đạt chuẩn kiểu… phong trào?
Trước đây, khi đề cập đến việc thực hiện đúng các tiêu chuẩn về thực hành nhà thuốc tốt, một lãnh đạo sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh: GPP là những tiêu chuẩn cụ thể rút ra từ luật Dược. Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng con người nên việc kinh doanh thuốc cũng phải đáp ứng những điều kiện đặc thù.
Cụ thể: chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề dược và phải có mặt tại cửa hàng trong thời gian hoạt động. Một số loại thuốc theo quy định phải bán theo toa của bác sĩ. Nhân viên trực tiếp bán thuốc phải có bằng chuyên môn dược. Khu vực bán thuốc có diện tích tối thiểu là 10m2, có chỗ rửa tay cho người bán và người mua, có đủ thiết bị để bảo quản thuốc tránh các ảnh hưởng bất lợi của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự ô nhiễm, sự xâm nhập của côn trùng. Đối với trường hợp thuốc bán lẻ không đựng trong bao bì thì phải ghi rõ: tên thuốc, dạng bào chế, nồng độ, hàm lượng thuốc; trường hợp không có đơn thuốc đi kèm phải ghi thêm liều dùng, số lần dùng và cách dùng v.v.
Có 3.808/4.000 nhà thuốc ở TP.HCM được cấp chứng nhận GPP và lẽ đương nhiên, theo quy định, những nhà thuốc đó phải đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn trên, nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Phổ biến nhất là tình trạng cho thuê bằng dược sĩ (đại học). Họ đứng tên “trên bảng hiệu” nhưng thường xuyên vắng mặt tại nhà thuốc, phó mặc việc bán, tư vấn sử dụng thuốc cho nhân viên bán thuốc hoặc các dược sĩ trung học, dược tá. Và thuốc được bán một cách tự do, không chỉ dẫn, ai mua cũng được, loại gì cũng bán, kể cả các loại thuốc bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ.
Dẫn chứng cho điều này, ngày 20.7, tại nhà thuốc L. đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp có ghi bảng hiệu “Nhà thuốc đạt chuẩn GPP” nhưng khi khách hàng hỏi mua năm viên thuốc hướng tâm thần – loại thuốc thuộc diện quản lý đặc biệt – nhân viên vẫn bán bình thường với giá 8.000 đồng/viên, mà không cần toa của bác sĩ. Thấy không có gì trở ngại, chúng tôi hỏi mua thêm một loại thuốc an thần nhẹ hơn có tên Dogmatil, nhân viên vẫn bán vô tư với giá 3.800 đồng/viên.
Tại nhà thuốc N. đạt chuẩn GPP trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, một khách hàng hỏi mua thuốc phun xịt trị hen suyễn Seretide, nhân viên bán thuốc không ngần ngại bán với giá 205.000 đồng/lọ (25/50mg). Khi người mua thắc mắc về cách sử dụng và yêu cầu cần được dược sĩ tư vấn kỹ khi dùng thuốc hướng tâm thần, thuốc trị hen suyễn, thì nhân viên bán thuốc cho biết: “Hiện dược sĩ của nhà thuốc đi vắng, nếu muốn hỏi gì thêm thì đến tối quay lại”.
65% bị phản ứng do uống thuốc tự mua Tại hội thảo Cảnh giác dược và ứng dụng lâm sàng diễn ra vào ngày 17.7 vừa qua tại TP.HCM, ThS.DS Đỗ Văn Dũng – phó tổng thư ký hội Dược học TP.HCM cho biết, mỗi năm Việt Nam có gần 1.000 trường hợp phản ứng thuốc. Nghiên cứu 420 hồ sơ của bệnh nhân bị phản ứng thuốc được điều trị nội trú tại bệnh viện Da liễu TP.HCM mới đây cho thấy: 65,8% bệnh nhân tự mua thuốc. Loại thuốc gây phản ứng nhiều nhất là kháng sinh: 24,3%, an thần: 14,9%. Loại dị ứng hay gặp nhất là hồng ban đa dạng – chiếm 44,5%, da bị bong tróc, phù nề. Ngoài ra, bệnh nhân phản ứng thuốc mạnh có thể dẫn tới mù lòa hoặc tử vong. |
Điều đáng nói là cả ba loại thuốc trên đều là những loại thuốc đặc biệt, cần có sự chỉ định và hướng dẫn sử dụng qua toa của bác sĩ, nhưng những nhà thuốc mang danh GPP này vẫn sẵn sàng bán cho người bệnh!
1.001 lý do bao biện
Ngoài chuyện nhiều nhà thuốc GPP vẫn bán thuốc vô tội vạ như trên, phần lớn các nhà thuốc GPP không sử dụng máy lạnh theo quy định để bảo quản thuốc. Một dược sĩ bán thuốc gần cổng bệnh viện Ung bướu, cho rằng: “Nếu đóng cửa mở máy lạnh thì người bệnh sẽ không dám vào mua vì nghĩ làm vậy sẽ bán thuốc giá cao”.
Một nhà thuốc khác trên đường Lê Đức Thọ, phường 6, quận Gò Vấp dù được ghi đủ tiêu chuẩn GPP, diện tích đủ 10m2 nhưng chủ tiệm còn cho thêm một thợ sửa quần áo ngồi nhờ khiến mặt bằng bán thuốc càng thêm chật hẹp, nóng bức và bụi bặm.
Trong những cuộc họp gần đây, lãnh đạo sở Y tế TP.HCM thừa nhận trong quá trình triển khai GPP, ngành y tế cũng phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là nguồn nhân lực dược vừa thiếu lại vừa yếu, dù thành phố có đội ngũ dược sĩ đại học cao nhất nước với tỷ lệ 5,2 dược sĩ/10.000 dân (cả nước 1,5 dược sĩ/1.000 dân). Tuy nhiên, dược sĩ nhà thuốc hiện nay thường “kiêm nhiều việc” như… trình dược viên các hãng dược hoặc đang làm trong bệnh viện, kiêm luôn cả việc đứng tên mở nhà thuốc. Đa số các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải, khoa dược bệnh viện biên chế rất ít nhưng lại phải đảm đương quá nhiều công việc. Ngoài ra, nhiều nhà thuốc đạt chuẩn GPP đang gặp khó khăn vì thói quen của người tiêu dùng Việt Nam: thường tự mua thuốc theo chỉ dẫn của nhà thuốc chứ không chịu đến bác sĩ xin toa!
Hoàng Nhung – SGTT