Năm 2013, Quỹ Bảo hiểm y tế đã chi trả 42.000 tỷ đồng cho người bệnh có thẻ bảo hiểm, trong đó tiền thuốc chiếm khoảng 25.000 tỷ đồng. Với sự giám sát của cơ quan bảo hiểm xã hội, chi phí sử dụng thuốc ở các bệnh viện đã giảm tới 1.700 tỷ đồng, nhưng không giảm chất lượng thuốc điều trị. Tuy nhiên, mảng dược phẩm lâm sàng ở đa số các bệnh viện vẫn gần như bị bỏ trống nên các bác sĩ được “tự do” chỉ định cho người bệnh mà chưa có sự giám sát. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị tập huấn công tác đấu thầu mua thuốc ở các cơ sở y tế.
(Ảnh minh họa)
Trưởng ban Dược và Vật tư y tế BHXH nhận xét, đấu thầu theo Thông tư 01 đã tạo được sự công khai minh bạch, đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, giúp lựa chọn được thuốc chất lượng với giá cả hợp lý, song tiến độ còn chậm. Còn một số địa phương cố tình kéo dài việc đấu thầu, chứ không phải không làm được. Vị trưởng ban thẳng thắn chỉ rõ trong nội bộ có lợi ích nhóm. Trong khi chưa thực hiện Thông tư 01 thì giá thuốc theo Thông tư 10 cao hơn nhiều. Có nhiều loại thuốc cao hơn 20-30%, thậm chí cao hơn 100-150%. Như vậy, đương nhiên khoản chênh lệch đó, chủ đầu tư và nhà thầu được hưởng. Nếu làm nhanh Thông tư 01 thì giá thuốc giảm xuống, không chỉ người bệnh được hưởng lợi mà ngân sách cũng không bị thiệt, Quỹ BHYT không phải trả khoản chi phí lớn.
Thực tế cho thấy, một số “thủ thuật” được hầu hết các công ty cổ phần dược địa phương sử dụng là trúng thầu với một lượng thuốc rất lớn nhưng cơ cấu thuốc của công ty trúng thầu chiếm tỷ lệ không đáng kể, mà đều là thuốc ở nơi khác gửi. Công ty cổ phần dược trung gian này tiếp tục cộng thêm vào giá 10-12% và cung ứng cho bệnh viện nếu giá thuốc cao vọt. Nếu mở thầu cho các nhà thầu khác tham gia và trúng thầu, chắc chắn giá thuốc sẽ rẻ hơn ít nhất 10-12%, song trong hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư thường cài thêm tiêu chí “công ty dược địa phương, công ty đã nhiều năm cung ứng cho chủ đầu tư…”, dẫn đến tình trạng mù mờ, không minh bạch, khiến giá thuốc cao thêm.
Trong khi đó, Bộ Y tế chậm ban hành danh mục biệt dược, thuốc tương đương điều trị, gây khó khăn cho các đơn vị khi đấu thầu. Đáng lo ngại là, một số cơ sở y tế vẫn sử dụng kết quả đấu thầu theo Thông tư 10 đã hết hiệu lực, trong khi hầu hết giá thuốc trúng thầu theo thông tư này cao hơn nhiều so với giá thuốc trúng thầu theo Thông tư 01. Đặc biệt, ngay cả khi thực hiện Thông tư 01, một số bệnh viện lại lựa chọn thuốc có hàm lượng “lạ”, ít nhà thầu sản xuất, dẫn đến giá trúng thầu cao bất hợp lý. Hơn thế, một số bệnh viện lập hồ sơ mời thầu còn tạo “kẽ hở” có lợi cho một số nhà thầu “cánh hẩu” để hạn chế các “đối thủ” khác. Không có cạnh tranh công bằng nên không thể lựa chọn được thuốc đảm bảo chất lượng, chi phí hợp lý.
Chừng nào chưa chặn đứng, xử lý mạnh tay những thủ đoạn, thủ thuật “đi đêm”, bắt tay nhau trong đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế, bệnh viện, địa phương, thì người bệnh vẫn phải è cổ “cõng” giá thuốc một cách vô lý.
Đan Thanh