(Ảnh minh họa)
Nhiều người vẫn chưa hiểu nghiện thuốc là gì. Loại thuốc nào sẽ gây nghiện. Thậm chí, có người còn cho rằng thuốc “lắc”, “hàng đá” không gây nghiện… những sai lầm này thật là nguy hiểm.
Một bệnh nhân nữ bị bệnh mất ngủ nhiều năm và được bác sĩ khám, chẩn đoán bị “rối loạn lo âu“. Bà được chỉ định dùng nhiều thuốc, trong đó có trazodon. Đặc biệt, bà tự cho là mình bị nghiện trazodon vì từ 4 năm nay phải thường xuyên uống thuốc đó (1 viên Trazodone 50mg) vào ban đêm để ngủ, kể cả lúc không được bác sĩ kê đơn chỉ định bà tự ý mua trazodon về dùng và cho biết “không thể bỏ được” (bà không ghi nhưng có thể hiểu nếu không dùng thuốc bà không ngủ được). Bà viết thư hỏi về tình trạng không bỏ được thuốc này có phải là “nghiện thuốc“.
Thống kê gần đây, trong 1 năm, BV. Tâm thần TP.HCM có số người nhập viện cấp cứu là 113 bệnh nhân và 560 bệnh nhân đến khám điều trị ngoại trú vì các triệu chứng hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi liên quan đến sử dụng ma túy, trong đó có “thuốc lắc” và “hàng đá”.
Hiện nay, người ta thường dùng thuốc lắc bằng cách uống (dân chơi gọi là “cắn”) còn dùng hàng đá không uống mà đốt lên hút (dân chơi gọi là “ục”) nhằm để nhảy nhót, lắc như điên cuồng thâu đêm suốt sáng. Điều đáng nói là không chỉ những người sử dụng mà ngay cả nhiều bạn trẻ đang còn đi học cũng mơ hồ về tác dụng thật sự của thuốc lắc và hàng đá.
Nhiều người vẫn cho rằng đây là thuốc không gây nghiện và tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua cho cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Thực chất, thuốc lắc và hàng đá có gây hiện tượng “nghiện thuốc” thuộc loại nguy hiểm.
“Nghiện thuốc” là gì?
Nghiện thuốc là tình trạng không ngưng bỏ mà bắt buộc phải tiếp tục dùng thuốc (trước đây nước ngoài gọi là “drug addiction” nay gọi là “drug dependence” tức là bị “lệ thuộc thuốc”). Nghiện thuốc được định nghĩa là “tình trạng sử dụng thuốc kéo dài lặp đi lặp lại một cách bắt buộc nhằm có được tác dụng (kể các tác dụng gây sảng khoái của thuốc) hoặc để tránh sự khó chịu vật vã do thiếu thuốc”. Nghiện thuốc có 3 đặc tính:
– Gây sự lệ thuộc về mặt tâm lý phải sử dụng thuốc bằng bất cứ giá nào.
– Gây sự lệ thuộc về mặt thể chất nên nếu ngưng không tiếp tục dùng thuốc sẽ bị “hội chứng cai thuốc” (HCCT) gây vật vã, rối loạn nghiêm trọng làm người nghiện không bỏ được thuốc. Thí dụ, khi đã nghiện ma túy là heroin nếu ngưng dùng sẽ bị HCCT: dãn đồng tử, nhịp tim nhanh là triệu chứng ngược lại với tác dụng của thuốc là làm co đồng tử, nhịp tim chậm (nhờ quan sát triệu chứng mà bác sĩ phân biệt người nghiện bị ngộ độc do quá liều hay bị HCCT do thiếu thuốc).
– Gây sự lờn thuốc, phải tăng liều (tức liều dùng sau phải sau phải cao liều dùng lần trước mới thấy có tác dụng).
Những chất nào gây nghiện thuốc?
Ở ta, ma túy là từ chỉ các chất gây ra sự đê mê, nghiện ngập. Trước đây, ma túy được dùng theo định nghĩa hẹp để chỉ THUỐC PHIỆN và dẫn chất của nó như MORPHIN, HEROIN và các dẫn chất có nguồn gốc thiên nhiên nhiên được gọi là OPIAT hoặc một số thuốc được tổng hợp bằng phương pháp hóa học dựa trên cấu trúc của morphin được gọi chung là OPIOID.
Nhưng hiện nay dân nghiện sử dụng khá nhiều thuốc, cho nên ma túy được dùng với nghĩa rộng hơn, nó có thể bao hàm nhiều chất mà dân nghiện sử dụng, thậm chí có những chất ngoài đặc tính gây khoái cảm và gây sự lệ thuộc còn có một số tính chất dược lý hoàn toàn đối kháng với opiat, opioid, đó là thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương. Có thể phân loại các chất gây nghiện như sau.
Những chất là ma túy thật sự:
Thuốc phiện (còn gọi là á phiện, opium, nha phiến) là nhựa trích ra từ qủa cây thuốc phiện (cây thẫu, tên khoa học: Papaver somniferum, họ Papaveraceae), morphin (hoạt chất chính trích ra từ thuốc phiện), heroin (còn gọi là xì ke xuất phát từ tiếng lóng ” scag”, bạch phiến, hàng trắng), meperidin (biệt dược Dolargan, Demerol), pethidin (Depridol, dùng cai nghiện heroin), cocain (trích từ cây Coca – Erythroxylon coca, họ Erythoxylaceae).
Như vậy, ta thấy những chất là ma túy thật sự có thể là hợp chất thiên nhiên như morphin, bán tổng hợp như heroin, và có thể là hợp chất hoàn toàn tổng hợp như pethidin, methadon.
Những chất gây ảo giác (Hallucinogens, Psychedelics)
Gọi là chất gây ảo giác là chất khi sử dụng đưa vào cơ thể sẽ gây nên sự hư hỏng tạm thời về mặt ý thức, nhận định sai lạc về không gian và thời gian. Gồm có: cần sa (còn gọi bồ đà, tên khoa học Cannabis sativa họ Cannabinaceae), LSD (viết tắt của lysergic acid diethylamid), mescalin, psilocybin (LSD, mescalin, psilocybin chỉ dùng phổ biến ở các nước Âu Mỹ).
Những chất kích thích thần kinh trung ương (Stimulants):
Amphetamin (Maxiton, được dùng phổ biến để thức chống lại buồn ngủ trong giới học sinh, sinh viên trước đây để học thi và nhiều người lạm dụng đến nỗi bị suy nhược tâm thần), methyl phenidat (Ritaline, trị chứng tăng động giảm sự chú ý ở trẻ).
Nói chung, các chất thuốc nhóm kích thích hệ thần kinh trung ương, mặc dù có tính chất đối kháng với ma túy vẫn gây khoái cảm và gây nghiện thuốc. Người nghiện thường kết hợp các chất này với ma túy (như kết hợp Maxiton và thuốc phiện) vừa để tăng cảm giác khoái cảm vừa được tỉnh táo.
Hiện nay đang báo động về việc lạm dụng các chất là dẫn chất amphethamin là thuốc lắc và hàng đá. Thuốc lắc là 3 – 4 – methylendioxymethamphetamin (viết tắt MDMA). Hàng đá là một dẫn chất khác của amphetamin gọi là methamphetamine. Dân chơi ở xứ ta gọi hàng đá hay ma túy “đá” vì tiếng lóng dân chơi Anh Mỹ gọi là ICE (nước đá).
Đặc biệt, thay vì được uống như thuốc lắc là dạng thuốc viên nén, hàng đá có dạng tinh thể kết tinh thành dạng phiến to trong suốt, trông như miếng nước đá, được đốt lên để hút hoặc, sẽ cho tác dụng “phê” nhanh và kéo dài hơn rất nhiều so với các dẫn chất amphetamin khác. Hàng đá được sử dụng nhiều vì việc tổng hợp sản xuất độc chất này khá dễ dàng (methamphetamin có thể tổng hợp hóa học dễ dàng từ tiền chất là ephedrin, pseudoephedrin, phenylpropanolamin là các dược chất có sẵn trong các thuốc trị cảm – sổ mũi).
Những chất ức chế thần kinh trung ương:
Nhóm thuốc ngủ barbiturat: trước đây có khoảng 50 barbiturat khác nhau dùng trong trị liệu như barbital (Véronal), phenobarbital (Luminal, Gardenal), amobarbital (Nembutal)… Trường hợp nghiện đầu tiên (1904) là nghiện Vénonal. Ở miền Nam, trước đây thường nghiện: secobarbifal (Séconal, tiếng long sì cọt), binoctal (Immenoctal + Amobarbital)…
Nhóm thuốc an thần gây ngủ benzodiazepin: diazepam (Valium, Seduxen), clordiazepoxid (Librium)… Hiện nay, dân nghiện hay dùng rohypnol (rô hồng).
Ngoài các chất gây nghiện kể trên, còn có các chất gây lệ thuộc khác hoặc được dùng hợp pháp (như rượu, thuốc lá) hoặc không bị lạm dụng nhiều ở nước ta (đó là dung môi bay hơi như nghiện hít toluen, amyl nitrit, kerosen…).
Đối với trường hợp bạn đọc nữ viết thư hỏi nêu trên, rõ ràng đã có sự lệ thuộc thuốc trazodon. Trazodon được xem là thuốc gây nghiện nhưng tác dụng gây nghiện của nó thuộc loại như thế nào?
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Đức – Sức khỏe & Đời sống