Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Nên hay không nên thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc?

Nên hay không nên thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc?

Quản lý giá thuốc như thế nào là vấn đề hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau tại phiên họp về dự thảo Luật dược sửa đổi do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 6/5 tại Hà Nội.

Tại cuộc họp, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo luật đã quy định nguyên tắc của quản lý nhà nước về giá thuốc là theo cơ chế thị trường thì nên xác định rõ những loại thuốc nào cần được quản lý nhà nước về giá, loại thuốc nào chỉ cần kê khai giá và công khai, minh bạch. Trên thế giới đa số các nước chỉ quản lý giá đối với những loại thuốc bảo hiểm y tế và thuốc nhà nước đặt hàng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cần quản lý giá đối với tất cả các loại thuốc để can thiệp kịp thời khi có biến động về giá. PGS.TS Lê Văn Truyền – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế kiến nghị nên quản lý giá thuốc bằng thặng số bán buôn, bán lẻ. Lấy ví dụ thực tế từ Ấn Độ quy định cơ chế bán buôn thuốc của một nhà sản xuất dược phẩm với một công thức là giá bán không được vượt quá 200% giá xuất xưởng, ông Truyền cho rằng nhiều nước trên thế giới quản lý giá thuốc bằng thặng số rất đơn giản.

Quản lý giá thuốc tới đây sẽ theo hướng như thế nào?

Quản lý giá thuốc tới đây sẽ theo hướng như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã ban hành thông tư về quản lý giá thuốc bằng thặng số. Tuy nhiên, chỉ áp dụng hiệu quả đối với thuốc sản xuất trong nước, còn với thuốc nhập khẩu rất khó khăn do không quản lý được giá đầu vào. Các doanh nghiệp nhập khẩu tìm mọi cách hợp thức hóa chứng từ, đẩy giá đầu vào của thuốc nhập khẩu lên cao để thu lợi tối đa.

Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định trách nhiệm quản lý giá thuốc là của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, vì vậy cần xác định rõ trách nhiệm của hai bộ này.

Một trong những vấn đề còn vướng của của dự thảo Luật dược sửa đổi là vấn đề quản lý giá thuốc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ở các nước, Bộ Y tế không quản lý giá thuốc mà chỉ lo về kỹ thuật, Bộ Tài chính thì không nhận chịu trách nhiệm quản lý giá thuốc vì họ không rành về kỹ thuật liên quan đến dược phẩm. Giải pháp trung dung mà Chính phủ đã cho phép là thành lập hội đồng quản lý giá thuốc. Theo PGS. TS Lê Văn Truyền, hiện có nhiều quốc gia có mô hình hội đồng tư vấn giá thuốc, trong đó có các nước Bắc Âu, ở châu Á có Malaysia. Ông Truyền cũng cho rằng trong khi chưa tìm ra bộ chịu trách nhiệm về giá thuốc, có thể sử dụng mô hình hội đồng quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, hội đồng phải có thực quyền, nếu không thì khó giải quyết được vấn đề.

Trước nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc, phát biểu kết thúc phiên họp về dự thảo Luật dược sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị khoan đề cập tới việc thành lập Hội đồng tư vấn quản lý giá thuốc trong Luật dược, lý do là vai trò của hội đồng chưa rõ ràng, “Quản lý nhà nước về giá thuốc, tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu. Vài ngày nữa sẽ họp với các chuyên gia để tiếp tục xác định trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Tài chính”- bà Mai nhấn mạnh.

 

Thái Bình

Nhận xét sản phẩm: "Nên hay không nên thành lập Hội đồng quản lý giá thuốc?"