Trang chủ » Thông tin » Chuyên gia mách nhỏ » Mua thuốc online: Rước họa

Mua thuốc online: Rước họa

Nở rộ

Gọi vào số điện thoại 01266356…của chủ một “cửa hàng bán thuốc online” để hỏi mua thuốc viêm gan, tôi được tư vấn loại thuốc Cyclofe…hộp 40 viên giá 250 nghìn đồng/hộp.

“Thuốc này của Nga sản xuất, trị viêm gan B, C và cả HIV do Công ty dược Trung ương 2 nhập khẩu” – chủ cửa hàng ảo này giới thiệu, và cho biết sẵn sàng bán không cần toa hay chỉ định của bác sĩ đồng thời có thể giao hàng tận nơi.

“Anh yên tâm thuốc này em bán giá chỉ 250.000 đồng do có người ở Nga xách tay về, còn ở Việt Nam bán gần 800 nghìn/hộp”- người bán hàng giới thiệu.

Hàng loạt thuốc cảm có chứa hoạt chất phenylpropanolamine đã bị cấm lưu hành ở các nước do gây ra nhiều cái chết cho người dùng nhưng vẫn được quảng cáo trên các trang mua bán thuốc qua mạng.

Chúng tôi đặt mua 2 hộp thuốc này, cửa hàng bán thuốc online ghi địa chỉ ở quận Gò Vấp, TPHCM cho biết, có giá 120 nghìn đồng/hộp và yêu cầu đọc địa chỉ để giao hàng.

Một cửa hàng bán thuốc qua mạng khác, được giới thiệu ở Hà Nội bán các loại thuốc tâm thần, an thần cũng quảng cáo đầy các mặt hàng thuốc kèm theo giá cả, bất chấp các loại thuốc này cấm bán khi không có kê đơn của bác sĩ.

Nhiều loại thuốc an thần, tâm thần như Valeria…, thuốc Alecu… hay Amitrip…có giá từ 500-1 triệu/lọ được giới thiệu xuất xứ từ Mỹ bán tràn lan. Gọi điện đặt thuốc khách được tư vấn giá cả cùng nơi giao hàng. Tuyệt nhiên, không có hướng dẫn nào về cách dùng, tác dụng phụ hay liều lượng uống.

Tại cửa hàng “thuoc11…” loại thuốc trị nghiện ma túy, thuốc chống tái nghiện ma túy dù chỉ được cung cấp trong các cơ sở cai nghiện cũng được rao bán vô tư.

Vào cửa hàng thuốc online có tên “muathuoc…” có hơn 1.000 mặt hàng thuốc các loại đều quảng cáo là hàng xách tay từ nước ngoài.

Tại “hiệu thuốc” này người bệnh gọi qua điện thoại, dễ dàng mua được thuốc trị ung thư, viêm gan hay tiểu đường như: Alacicl…, rilme…hoặc strome…

Thậm chí ở một cửa hàng bán thuốc qua mạng khác, còn giới thiệu loại Profi…chữa HIV có giá 50 nghìn đồng/viên, cho dù trước đó Cục Quản lý Dược VN cho biết chưa cấp phép loại thuốc này vào Việt Nam.

Không kiểm soát = cấp cứu

Khi được chuyển đến BV Nhi đồng 1 TPHCM, bé P.N.U., 11 tuổi ở quận 3 đã lừ đừ, chóng mặt, nổi mề đay toàn thân, co cứng người kèm nôn ói. Làm xét nghiệm các bác sĩ cho biết bé bị ngộ độc do thuốc gây ra.

Mẹ của bé U. thừa nhận, đã mua thuốc động kinh trên mạng để sẵn trong nhà để dùng mỗi khi bé U. có biểu hiện lên cơn. Tôi biết thuốc này phải được bác sĩ kê nhưng mua trên mạng tiện là không cần toa, lại giao tận nơi. Ai ngờ” – mẹ bé U. kể lại với bác sĩ.

Hai tuần trở lại đây, BV Nhân dân 115 tiếp nhận 2 trường hợp phản ứng tác hại của thuốc do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Bác sĩ Nguyễn Đại Biên – Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhân dân 115 cho biết, một bệnh nhân 56 tuổi ở huyện Bình Chánh, TPHCM vào viện do dùng loại trị rối loạn cương dương quá liều, không được tư vấn; một người khác dùng thuốc hướng tâm thần cũng mua trên mạng không đúng chỉ định của bác sĩ.

Còn thống kê của BV Nhi đồng 2, mỗi năm có hơn 50 trẻ do người lớn tự ý điều trị bằng thuốc không chỉ định của bác sĩ, thuốc mua qua mạng phải nhập viện vì ngộ độc và phản ứng có hại.

Theo quy định, mỗi nhà thuốc phải có giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề dược và chứng nhận đủ điều kiện hành nghề…do Sở Y tế cấp. Các thủ tục phải được kiểm duyệt, thẩm định nhiều lần.

Tuy nhiên, do bán hàng qua mạng, nên cửa hàng thuốc online vô tư hoạt động. “Do chưa được cấp phép, mua thuốc ở những nơi này rất nguy hiểm vì dễ gặp phải thuốc giả, hết hạn, không nguồn gốc… dễ dẫn đến ngộ độc và tử vong” – TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TPHCM cảnh báo.

Dược sĩ Hoàng Phúc, công tác tại khoa Dược BV Nhân dân 115 cho biết, các thuốc như thuốc an thần, tâm thần; thuốc trị rối loạn cương dương hay thuốc đặc trị ung thư… chỉ sử dụng và bán khi được bác sĩ khám và chỉ định kê toa rõ ràng.

“Nhiều loại thuốc có chất gây nghiện, ngành y tế chỉ cho một số bác sĩ uy tín kê đơn và chỉ có đơn của những người này mới được bán” – Dược sỹ Phúc nói.

Theo bác sĩ Biên, ở nước ngoài, bán thuốc online phải được Bộ Y tế cấp phép và được kiểm soát rất chặt chẽ.

“Ở đó có bác sĩ, dược sĩ tư vấn, có đơn bác sĩ xác nhận chứ không như chúng ta, thuốc gì cũng bán, ai mua cũng được và giá cả, chất lượng thì thả nổi”.

Lê Nguyễn – Tiền phong

 

Bai thuoc nam lanh tinh hay dieu tri benh tri va benh tieu duong tai nha thuoc nam An duoc!

Nhận xét sản phẩm: "Mua thuốc online: Rước họa"