Bệnh viện lý giải phải mua vì các công ty dược hỗ trợ tiền xây nhà công vụ, đi du lịch…
Thanh tra tỉnh Hậu Giang vừa công bố kết luận thanh tra nhiều vấn đề tại Sở Y tế tỉnh Hậu Giang. Trong đó công tác đấu thầu thuốc, hóa chất và vật tư y tế trong năm 2012-2013 có hàng loạt sai phạm như loại nhà thầu tùy tiện, mua thuốc rồi để tồn kho làm mất cơ hội mua thuốc rẻ hơn…
Theo kết luận thanh tra, trong năm 2012-2013, ngành y tế tổ chức đấu thầu tổng cộng bốn lần với tổng dự toán gần 393 tỉ đồng. Trong đó có một lần Sở loại bốn nhà thầu đạt tiêu chuẩn về mặt năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, có giá chào hàng thấp đối với sáu mặt hàng thuốc, hóa chất… mà không nêu lý do. Việc loại bốn nhà thầu không đúng theo tiêu chí đặt ra đã gây thiệt hại cho ngân sách gần 115 triệu đồng, làm tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh. Trách nhiệm thuộc về cá nhân Phó Giám đốc Sở Phan Thanh Tùng, ông Lê Văn Tạo – Chánh Văn phòng Sở Y tế và ông Nguyễn Thanh Thế – Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế).
Nghiêm trọng hơn, Thanh tra tỉnh Hậu Giang phát hiện thời điểm hết thầu thuốc năm 2012 là ngày 31-3-2013 nhưng tại các đơn vị khám, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế có lượng thuốc tồn kho có giá gần 17,5 tỉ đồng, phải sử dụng trong năm thầu tiếp theo từ bốn tháng đến 47 tháng mới hết. Số thuốc tồn kho được mua theo đơn giá trúng thầu năm 2012 có giá cao hơn đơn giá thuốc trúng thầu năm 2013 với tổng số tiền chênh lệch gần 8 tỉ đồng.
BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang – nơi mua thuốc theo kiểu “há miệng mắc quai”
Cụ thể, tại BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang có 49 mặt hàng thuốc tồn kho với tổng số tiền hơn 11 tỉ đồng. Bệnh viện này xảy ra tình trạng mua hàng theo thầu cũ tăng đột biến: Khi thuốc năm 2012 còn tồn thì trong quý I-2013 lại tiếp tục nhận thêm thuốc với giá trị gần 20 tỉ đồng nên đến cuối năm 2013 lượng thuốc tồn kho lớn, dự kiến phải mất từ bốn đến 47 tháng mới sử dụng hết. Lượng thuốc tăng đột biến chỉ tập trung ở một số mặt hàng của ba công ty Dược Sông Hậu, IMEXPHARM và Dược PYMEPHARCO.
Còn tại BV Đa khoa huyện Châu Thành, thuốc tồn gồm 39 mặt hàng với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng; BV Đa khoa huyện Long Mỹ tồn kho gồm 58 mặt hàng với tổng số tiền 1,1 tỉ đồng…
“Việc mua thuốc để tồn trong kho đã làm nhà thầu khác trúng thầu trong năm 2013 có đơn giá thấp hơn không bán được thuốc” – thanh tra nhận định.
Theo thanh tra, thời gian thuốc tồn kho tại các cơ sở khám, chữa bệnh thông thường từ hai đến ba tháng. Thế nhưng thực tế lượng thuốc tồn kho cuối thầu năm 2012 từ bốn đến 47 tháng là bất thường.
Từ kết luận trên, thanh tra kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban Giám đốc Sở Y tế và cá nhân ông Võ An Ninh – Giám đốc và ông Phan Thanh Tùng – Phó Giám đốc vì để xảy ra sai phạm trong việc sử dụng tài chính, đầu tư xây dựng mua sắm trang thiết bị, đấu thầu thuốc tại các đơn vị trực thuộc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Ngọc Đông, Chánh Thanh tra tỉnh Hậu Giang, cho biết: Về số thuốc tồn kho, thanh tra yêu cầu các bệnh viện liên hệ trả lại các công ty và kêu gọi các công ty hỗ trợ bằng cách bù giá đối với những mặt hàng thuốc có chênh lệch giá, thực hiện đổi thuốc…
GIA TUỆ
Buộc mua thuốc vì “há miệng mắc quai”
Lý giải việc mua nhiều thuốc rồi để tồn kho, BV Đa khoa tỉnh Hậu Giang giải trình: Phải mua thuốc của IMEXPHARM vì giám đốc cũ ký hợp đồng mua thuốc của công ty 6 tỉ đồng, công ty hỗ trợ 450 triệu đồng và bệnh viện đã nhận số tiền này để xây dựng nhà công vụ nên buộc phải mua. Bệnh viện cũng ưu tiên mua thuốc của Công ty Dược Sông Hậu vì đây là công ty của địa phương, có nhiều hỗ trợ cho bệnh viện thông qua các hợp đồng hợp tác. Còn trường hợp PYMEPHARCO, bệnh viện ưu tiên mua vì công ty đã hỗ trợ cán bộ nhân viên của bệnh viện đi du lịch năm 2011… |