Mỗi năm, vào ngày 14/6, các quốc gia trên thế giới cùng kỷ niệm Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu nhằm mục đích nâng cao nhận thức về nhu cầu máu và các sản phẩm máu an toàn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiến máu. Đây cũng là dịp để tri ân tất cả những người hiến máu tình nguyện trên toàn thế giới.
|
Những người hiến máu tình nguyện là nguồn máu an toàn nhất có thể thu thập được. |
Không ai có thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của máu đối với sự sống. Trong suốt những năm vừa qua, mặc dù thế giới liên tục nỗ lực nghiên cứu và sáng tạo song chắc chắn sẽ phải mất rất nhiều năm nữa để máu nhân tạo có thể thay thế được máu của con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), để một quốc gia có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu máu cần có thì quốc gia này phải có từ 1 – 3% dân số tham gia hiến máu.
Theo WHO, mỗi năm thu được 107 triệu đơn vị máu trên thế giới. Gần 50% lượng máu này được thu thập ở các nước có thu nhập cao, những quốc gia chỉ có ít hơn 20% dân số thế giới.
Những người hiến máu tự nguyện là nguồn máu an toàn nhất so với những người hiến máu vì lợi ích của các thành viên gia đình họ trong trường hợp khẩn cấp hoặc những người hiến máu được trả tiền. Chính vì vậy, điều quan trọng đối với mọi quốc gia là cần phát triển một hệ thống hiến máu tự nguyện và thường xuyên để đáp ứng nhu cầu về máu vốn luôn đóng vai trò quan trọng. Điều cốt yếu là mỗi quốc gia có một nguồn dự trữ ổn định những người hiến máu sạch và sẵn sàng hiến thường xuyên.
Vào thời điểm khi máu được cho và khi được truyền, máu sẽ phải theo một hành trình phức tạp bởi vì nó phải được kiểm tra, lưu trữ và vận chuyển trước khi sử dụng. Thách thức đối với các dịch vụ truyền máu là cung cấp máu đáp ứng được cả hai yêu cầu là an toàn và nhu cầu ngày càng tăng về số lượng.
Không hề quá lời khi cho rằng, hiến máu là một hành động anh hùng bởi việc làm này sẽ giúp cứu được ít nhất một sự sống hay còn nhiều hơn thế nữa. Việc truyền máu và các sản phẩm máu giúp cứu được hàng triệu sự sống mỗi năm. Việc làm này còn có thể giúp kéo dài sự sống cho không ít người mắc các trọng bệnh đe dọa đến tính mạng và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ, cũng như được sử dụng trong nhiều thủ thuật y tế và phẫu thuật phức tạp. Thêm vào đó, truyền máu và các sản phẩm máu cũng đóng một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Để tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của những người đã tình nguyện hiến máu cứu người, Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu quốc tế và Hiệp hội Các Tổ chức người hiến máu quốc tế đã thống nhất lấy ngày 14/6 hàng năm là Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu. Đây cũng là dịp để thế giới tưởng nhớ người đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO – giáo sư Karl Landsteiner, người Áo, sinh ngày 14/6.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới:
– 107 triệu đơn vị máu được thu thập mỗi năm
– 65% lượng máu được truyền cho trẻ em dưới 5 tuổi
– Mục tiêu đặt ra là 100% lượng máu được thu thập từ hiến máu tình nguyện vào năm 2020.
Máu an toàn để cứu lấy các bà mẹ
Năm nay, Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu (14/6/2014) được kỷ niệm với chủ đề: “Máu an toàn để cứu lấy các bà mẹ”. Chiến dịch hành động của ngày kỷ niệm này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc tiếp cận nhanh chóng với máu và các sản phẩm máu an toàn là điều cần thiết cho tất cả các quốc gia trong khuôn khổ một cách tiếp cận toàn diện để phòng chống tử vong ở bà mẹ.
Nhân Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích tất cả các quốc gia cũng như các đối tác trong nước và quốc tế cùng hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ và truyền máu, nhằm phát triển một kế hoạch hành động tập trung vào tầm quan trọng của việc tiếp cận nhanh chóng với máu và các sản phẩm máu an toàn để ngăn ngừa tử vong ở bà mẹ.
Theo WHO, chảy máu trong hoặc sau khi sinh con là nguyên nhân chính gây tử vong đối với các bà mẹ. Mỗi ngày, gần 800 phụ nữ tử vong do các biến chứng của thai kỳ hoặc sinh con. Hầu như tất cả các ca tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, hơn một nửa trong khu vực châu Phi Sahara và gần 1/3 ở Nam Á. Nguy cơ tử vong ở bà mẹ cao nhất đối với trẻ vị thành niên dưới 15 tuổi.
Chảy máu nghiêm trọng trong hoặc sau giai đoạn sinh con là một nguyên nhân chính gây tử vong, bệnh tật và khuyết tật trong dài hạn. Tuy nhiên, được tiếp cận với máu và các sản phẩm máu an toàn với số lượng đầy đủ, và được truyền máu bảo đảm an toàn lại luôn được xem là những thách thức lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Mục tiêu của chiến dịch hành động nhân Nhân Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu năm 2014:
– Đối với Bộ Y tế, đặc biệt là các nước có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ cao: cần áp dụng các biện pháp cụ thể để bảo đảm rằng cơ sở y tế ở các quốc gia này cải thiện việc tiếp cận máu và các sản phẩm máu an toàn từ những người hiến máu tình nguyện cho phụ nữ mang thai.
– Đối với dịch vụ truyền máu quốc gia của các nước có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ cao: cần tập trung vào sự an toàn của máu cho các bà mẹ trong các hoạt động và các sản phẩm cho chiến dịch năm 2014.
– Đối với chương trình và quan hệ đối tác về sức khỏe bà mẹ: cần tham gia vào chiến dịch năm 2014.
– Đối với WHO và các đối tác trên thế giới: cần chỉ ra rằng làm thế nào để máu an toàn từ những người hiến máu tình nguyện có thể giúp cứu lấy sự sống của phụ nữ trên toàn thế giới.