Gần đây ngành dược bắt đầu mạnh tay xử lý thuốc kém chất lượng. Không chờ đến vi phạm lần 2-3 khi đưa thuốc kém chất lượng vào VN mới bị xử lý mà các hãng dược lần đầu vi phạm đều phải nhận “chén đắng”: Ngưng hoạt động về lĩnh vực dược tại VN và bị rút luôn số đăng ký thuốc.
Nếu không kiểm soát và mạnh tay với thuốc kém chất lượng, người bệnh sẽ lãnh hậu quả
Từ năm 2012 đến nay, đã 3 lần, Công ty Robinson Pharmar, Inc của Mỹ bị phát hiện vi phạm về chất lượng. Ngày 29/8, Công ty Robinson Pharmar Inr chính thức bị rút giấy phép kinh doanh thuốc tại VN trong thời hạn 6 tháng, đồng thời 3 loại thuốc của công ty này bị rút luôn số đăng ký kèm theo mức xử phạt 80 triệu đồng.
Hai “ông lớn” khác của Ấn Độ là Công ty Marksans Pharma Ldt – India và Medley Pharmaceuticals Ltd cũng bị rút giấy phép hoạt động tại VN khi liên tục đưa thuốc kém chất lượng vào thị trường. Thậm chí, nhiều thuốc của một trong hai công ty này trong vòng một năm có 4 đến 5 lần bị xử lý vi phạm về chất lượng.
Cương quyết với thuốc kém chất lượng nhập vào VN không phải là mở đường cho thuốc nội có cơ hội “vùng dậy” như đồn đoán mà theo đại diện Cục quản lý Dược, sân chơi này là công bằng.
Gần đây nhất, cuối tháng 8/2014, 5 công ty dược được xem là đầu đàn về nhập khẩu thuốc của VN cũng bị “sờ gáy”. Đó là Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 1, chi nhánh TPHCM, Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 cũng ở TPHCM; Công ty TNHH MTV Dược Trung ương 3 ở Đà Nẵng, Công ty cổ phần tập đoàn Dược phẩm và Thương mại Sohaco ở Hà Nội và Công ty cổ phần Dược – Thiết bị Y tế Đà Nẵng…
Sợ nhất vẫn là những loại thuốc đến từ Nam Á như Ấn Độ. Trong 20 loại thuốc bị rút số đăng ký vừa được Cục quản lý Dược công bố trung tuần tháng 8, tất cả đều có nguồn gốc sản xuất hoặc công ty đăng ký từ Ấn Độ đưa vào VN. 5 công ty dược của Việt Nam vừa bị xử lý cũng vạ lây khi có đến 12 loại thuốc họ nhập về đều có nguồn gốc từ Ấn Độ. Các thuốc này trước khi bị đình chỉ lưu hành, rút số đăng ký hoặc đã kịp đến bệnh viện hoặc ra nhà thuốc và khu vực chợ dược. Đích đến vẫn là người bệnh.
Một giám đốc bệnh viện tại quận 10, TPHCM cho biết trước thực trạng thuốc kém chất lượng ngày càng xuất hiện nhiều thì với những người phụ trách công tác dược, việc “soi” kỹ các loại thuốc là không bao giờ thừa. “Chưa có bao giờ thuốc kém chất lượng được phát hiện nhiều như năm nay”- Vị giám đốc này nói.
Chưa có thống kê thuốc kém chất lượng bị thu hồi đã vào bệnh viện với số lượng bao nhiêu, nhưng tại các nhà thuốc tư nhân, khu vực chợ dược tại TPHCM, số lượng thuốc kém chất lượng thu lại được sau khi có thông báo là rất ít. “Hầu như danh sách thu hồi thuốc đến được tay chúng tôi đều trễ. Vì vậy, thường thuốc này chúng tôi đều bán khá nhiều cho người bệnh”- chị Trần Thị Minh Hạnh, chủ một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, quận 3 nói.
Từ đầu năm đến nay có ít nhất 79 công ty dược với hơn 80 loại thuốc- mỹ phẩm đăng ký lưu hành đã bị rút, tuy nhiên con số thu hồi được là bao nhiêu vẫn chưa có báo cáo cụ thể.
Luật sư Nguyễn Trí Đức- Công ty Luật Law 360 cho biết, phải có chế tài để xác định trách nhiệm của nhà sản xuất và nhập khẩu thuốc kém chất lượng. Từ đây mới quy trách nhiệm cao nhất cho đơn vị này trong giải quyết bồi hoàn với hậu quả khi người bệnh uống phải thuốc này.