Hiện nay, tại TPHCM, các nhà thuốc tây hoạt động trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Để câu khách, hầu hết nhà thuốc tây không cần bán thuốc theo toa, thậm chí tự định bệnh và mạnh tay bán các liều kháng sinh mạnh để khách hàng hết bệnh, qua đó chiếm lòng tin cậy của khách hàng, bất chấp việc người bệnh bị lờn thuốc và gặp tác dụng phụ.
Đường Văn Chung (phường 13, quận Tân Bình) dài khoảng 200m nhưng có 4 nhà thuốc tây nằm san sát nhau.
Một ngày hết bệnh!
Quanh khu nhà trọ phường 13 quận Tân Bình có nhiều nhà thuốc tây. Trên đường Văn Chung, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Quang Bích, C1… chỉ trong bán kính 300m đã có hơn 10 nhà thuốc tây. Các nhà thuốc tại đây thường mở vào chiều tối, do vào thời điểm này các công nhân, sinh viên thuê phòng trọ mới đi làm về. Tại Khu công nghiệp Tân Bình cũng tập trung nhiều nhà thuốc tây. Ghé nhà thuốc số 26 đường C1, không có bảng hiệu và tên dược sĩ, chỉ có tấm bảng nhỏ ghi tên hiệu thuốc Phạm Quỳnh để góc nhà. Người bán không mặc áo blouse. Chúng tôi nói bị sốt, ho, người bán bảo sẽ cho kháng sinh mạnh là hết ngay, rồi bán vài viên thuốc dặn ngày uống 3 lần, căn dặn ăn no trước khi uống vì liều lượng kháng sinh nặng sẽ dẫn đến chóng mặt, buồn nôn. Chúng tôi tiếp tục ghé vào nhà thuốc Ngọc Hân gần đó. Sau khi nghe nói triệu chứng đau họng, bị ho, người bán không hỏi xem người bệnh có bị đau dạ dày, có dị ứng hay không, đưa ra bọc thuốc với lời khẳng định chỉ cần uống 1 ngày là hết bệnh. Lại ghé vào nhà thuốc Tuấn Khôi trên đường Nguyễn Quang Bích, cũng nói bị triệu chứng ho, chúng tôi mua được mấy viên thuốc uống và được cam đoan chắc uống trong 2 ngày là hết bệnh.
Trên đường D9 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), các nhà thuốc cũng san sát nhau. Ghé vào nhà thuốc Kim Châu, không thấy dược sĩ mặc áo blouse, chỉ có một phụ nữ mặc áo thun đứng bán sau quầy. Thời tiết rất nóng khiến bên trong nhà thuốc nóng hừng hực, chẳng hiểu sao có máy lạnh nhưng lại không mở. Nhiệt độ oi bức thế này thì không đủ điều kiện bảo quản thuốc. Chúng tôi bảo bị rách sụn, đau khớp xương nên hỏi mua thuốc, người bán không cần hỏi gì thêm đã phán ngay rằng nên uống Celecoxib loại 200mg có kháng viêm cao để mau hồi phục, rồi đưa thuốc mà không thấy dặn dò gì.
Tân dược thành độc dược
Mang những thứ thuốc mua được, chúng tôi đến gặp một dược sĩ quen để tìm hiểu thì được cho biết: “Những liều thuốc ho, sốt này đều có lượng kháng sinh Ciprofloxacin có giá thành rẻ, nhưng lại có hàm lượng kháng sinh cao nên có thể hết bệnh sớm, nhưng sẽ dẫn đến tình trạng lờn thuốc nhanh. Các loại thuốc này có tác dụng phụ khiến người uống bị tiêu chảy, buồn nôn. Khi bán thuốc phải có toa chỉ định của bác sĩ. Còn thuốc uống đau khớp, cũng phải bán theo chỉ định của bác sĩ, vì kháng viêm rất cao dẫn đến dị ứng, sưng phù mặt, phát ngứa khắp người”.
Với những thông tin có được, chúng tôi đến gặp ông Vũ Minh Chiêu, Trưởng phòng Y tế quận Tân Phú, để hỏi về công tác quản lý hoạt động nhà thuốc tây trên địa bàn. Ông Chiêu cho biết: “Nhà thuốc tây hoạt động phải có giấy phép kinh doanh do quận cấp và có thẩm định của Sở Y tế bảo đảm theo chuẩn: bán theo toa bác sĩ; bảo quản thuốc không quá nhiệt độ 300C… Trong số những nhà thuốc mà chúng tôi phản ánh, có nhà thuốc Kim Châu vẫn chưa được thẩm định và quận vừa mới phạt ngày 3-6. Còn với vi phạm về bán thuốc không theo toa bác sĩ, phải có đoàn liên ngành phối hợp kiểm tra phát hiện mới xử phạt, nhưng cũng rất khó bắt quả tang, do đoàn kiểm tra đi đông người nên đến là nhà thuốc biết ngay, sẽ không bán thuốc cho người mua không có toa thuốc”. Ông Chiêu cũng thừa nhận tình trạng địa bàn quận rất rộng nên Phòng Y tế quận không thể kiểm soát hết. Thậm chí, nhiều nhà thuốc bị quận xử phạt liên tục, nhưng không thấy phường phát hiện, báo cáo tình trạng sai phạm này. Có nhà thuốc chưa có giấy phép kinh doanh vẫn hoạt động, khi đoàn kiểm tra liên ngành đến phát hiện tịch thu thuốc thì nhà thuốc chấp nhận bỏ thuốc do mức phạt rất nặng.
Theo quy định, để có giấy thẩm định đủ điều kiện kinh doanh nhà thuốc tây, phải chờ Sở Y tế thẩm định trong vòng 30 ngày nhưng nhiều trường hợp kéo dài 3 – 4 tháng vẫn chưa được thẩm định, nên nhà thuốc cũng cứ bán để đỡ lỗ tiền thuê mặt bằng. Nếu thay đổi mặt bằng, lại phải xin thẩm định. Trước kia, nhà thuốc được quản lý chặt chẽ hơn, nay việc thẩm định, xử phạt đều chuyển lên Sở Y tế nên rất rắc rối, mất nhiều thời gian, nhưng quản lý lại lỏng lẻo. Hầu hết, các nhà thuốc tây toàn là dược sĩ trung cấp đứng bán, chỉ mướn dược sĩ đại học đứng tên, nên dẫn đến tình trạng cắt thuốc ẩu.
THANH HẢI (SGGP)