Bước vào tuổi xế chiều nên anh Hòa (56 tuổi, Phú Yên) thấy chuyện “yêu” kém hẳn. Nghe mách rắn tốt cho quý ông, thế là anh lùng mua một bộ 5 con rắn về ngâm rượu, không ngờ uống xong thì bị “liệt” hẳn.
Lúc đầu uống anh cũng thấy có chút tác dụng, nên càng tin tưởng bổi bổ thêm. Thậm chí, những lúc đi nhậu với bạn, anh cũng chỉ ch
ọn rượu rắn mà không chọn các loại khác. Thế nhưng chỉ được mấy tháng, anh thấy mình yếu dần và mất cả khả năng.
Hoảng quá, anh mới đi khám thì mới biết mình bị liệt dương. Nguyên nhân chỉ vì tẩm bổ rượu rắn quá nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, từng chữa cho bệnh nhân này, cho biết khi uống bất kỳ một loại rượu nào với một lượng vừa đủ thì sẽ có tác dụng kích thích một chút hưng phấn, giúp kéo dài thời gian xuất tinh. Thế nhưng, nhiều người lại không biết, lầm tưởng là những loại rượu ngâm động vật có tác dụng điều trị rối loạn cương, xuất tinh sớm…
“Như trường hợp trên bị dương hư, âm thịnh, trong khi đó rắn lại thuộc loại hàn, khí âm đã thịnh lại bồi bổ thêm dẫn tới quá nhiều gây hư. Đặc biệt âm hư kết hợp hàn lại càng hư thêm và gây liệt dương”, bác sĩ Hướng nói.
Cũng theo ông, lâu nay người dân hay đồn thổi uống rượu rắn giúp bổ dương nhưng đây là quan niệm sai lầm. Rượu rắn chủ yếu chữa chứng phong, không bổ gì và không điều trị được thấp.
Rượu rắn cũng là một loại dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng. Nếu dùng tùy tiện, không đúng bệnh thì uống vào sẽ không có tác dụng, thậm chí phản tác dụng. Có bệnh nhân đã bị nhiễm độc, tế bào da bị phân hủy, mốc, rộp như da rắn chỉ vì bồi bổ bằng rượu ngâm bởi 5 loại rắn.
Nếu để chữa bệnh, trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám và chẩn đoán, từ đó mới đưa ra phương pháp và bào chế cho phù hợp. Chẳng hạn cùng là bệnh liệt dương nhưng với những người thuộc thể bệnh âm hư thì loại rượu chọn dùng hoàn toàn khác với thể bệnh dương hư… Nếu để bồi bổ nhằm nâng cao sức khỏe thì cũng phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất…, bác sĩ Hướng lý giải.
Lương y Vũ Quốc Trung, Giám đốc Trung tâm Y dược cổ truyền Sơn Hà cũng cho biết, theo y học cổ truyền, thịt rắn có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Mật rắn có tác dụng giảm đau, giảm ho, chống viêm, thường được dùng chung với thịt rắn trong rượu rắn. Tuy nhiên chưa thấy tài liệu nào nhắc đến công dụng bổ thận tráng dương, giúp tăng cường sinh lý của rượu rắn.
“Không nên coi rượu rắn là bổ và không phải ai cũng uống được. Phụ nữ có thai và trẻ nhỏ không được dùng rượu rắn. Thậm chí những quý ông còn trong độ tuổi sinh đẻ cũng không nên vì nếu lạm dùng còn làm cho ‘cái ấy’ yếu đi, thậm chí không còn khả năng sinh con nữa”, lương y Trung khuyến cáo.
Ông cũng khuyến cáo, những người mắc các bệnh như: suy thận, tăng huyết áp, gan, tim mạch không nên sử dụng rượu và thịt rắn vì trong đó còn một hàm lượng độc tố nhỏ. Nếu ngâm cả con thì phần nọc rắn nằm ở hai bên bành rắn (phần sát với cổ) vẫn còn nguyên. Nọc rắn nếu uống dù chỉ một lượng nhỏ cũng rất độc và có thể dẫn tới tử vong. Khi ngâm rượu, nó dung hòa với các chất khác trong cơ thể rắn và trong rượu để lượng độc tố giảm bớt hoặc không gây nguy hiểm cho những người có sức khỏe bình thường. Nhưng người thận yếu sẽ không thể phân giải độc tố này. Độc tố làm cho thận suy yếu nhanh hơn, thậm chí chạy vào tim và có thể làm tim ngừng đập nhanh chóng.
(Theo Vnexpress)