Bắt đầu từ miếng bánh pizza
Hàng chục năm qua, nhà báo y tế nổi tiếng người Úc Ray Moynihan đã nỗ lực điều tra vạch trần chiêu trò làm ăn của những tập đoàn dược phẩm.
Năm 2003, trong bài báo hai kỳ đăng trên tạp chí British Medical Journal có tựa Ai trả tiền món bánh pizza? Xem xét lại quan hệ giữa bác sĩ và công ty dược (Who pays for the pizza? Redefining the relationships between doctors and drug companies), ông cho biết một số nghiên cứu đã chứng minh: ở nhiều quốc gia 80 – 95% bác sĩ thường xuyên tiếp xúc với trình dược viên các hãng thuốc và hậu quả là thói quen kê toa của họ cho bệnh nhân bắt đầu “có vấn đề”.
Theo Moynihan, tất cả thường bắt đầu từ những chiếc bánh pizza miễn phí mà trình dược viên mua bồi dưỡng cho những ca kíp cực nhọc trong bệnh viện. Rồi mức độ trao tặng của công ty dược cho bác sĩ ngày càng tăng, từ quà tặng, vé tham dự hoà nhạc, tài trợ dự hội thảo khoa học đến những chuyến du lịch đắt tiền, thậm chí là tiền bạc thông qua cổ phiếu.
Dĩ nhiên, một khi đã chấp nhận những lợi ích trên, các bác sĩ phải tự hiểu họ chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là kê toa. Trong vụ GlaxoSmithKline (GSK) bị phạt 3 tỉ đôla Mỹ vừa qua, tập đoàn này đã thừa nhận hành vi hối lộ bác sĩ và khuyến khích giới này kê các loại thuốc tâm thần không phù hợp cho trẻ em. Nếu tham gia “cuộc chơi”, bác sĩ và người thân sẽ được du lịch đắt tiền ở khách sạn năm sao, chơi lướt ván, đánh golf, câu cá và những hoạt động khác do GSK chi trả. Theo điều tra, trong năm 2000 và 2001, GSK đã tổ chức tám sự kiện quảng cáo thuốc kéo dài ba ngày rất hấp dẫn cho bác sĩ tại Puerto Rico, Hawaii và Palm Springs – California. Khi tham dự, mỗi bác sĩ còn được bỏ túi 750 đôla và mỗi báo cáo viên 2.500 đôla Mỹ.
Không chỉ GSK mà nhiều tập đoàn dược phẩm cũng áp dụng chiêu trò trên. Năm qua Bristol-Myers Squibb đã bị chính quyền Mỹ kết tội lại quả tiền bạc, dùng quà tặng và các chuyến du lịch để đánh đổi việc bác sĩ kê các loại thuốc đắt tiền như Plavix, Abilify và Avapro, các sản phẩm chiếm hơn một nửa doanh thu 19,5 tỉ USD của hãng trong năm trước đó. Tính ra kể từ năm 1999 – 2005, hãng này đã lại quả tiền cho bác sĩ gần 15.000 lần!
Đủ chiêu moi tiền bệnh nhân
Vào cuối những năm 1990, sản phẩm Prozac – tên hoá học fluoxetine – của tập đoàn dược Lilly sắp hết bản quyền. Tập đoàn này đứng trước nguy cơ mất hàng trăm triệu đôla vì sự xuất hiện của những đối thủ generic (thuốc gốc) có giá rẻ. Năm 1998, Lilly tổ chức một hội thảo “bàn tròn” gồm các nhà nghiên cứu để bàn luận về PMDD, một hình thức nặng của hội chứng tiền mãn kinh. Hội thảo gồm 16 chuyên gia hàng đầu của FDA và bốn đại diện của Lilly. Suốt một năm sau đó, nội dung hội thảo xuất hiện trên nhiều tạp chí y học để rồi sau cùng người ta phải đi đến đồng thuận rằng PMDD là “một tổng thể lâm sàng riêng biệt”. Cuối năm 1999, ban cố vấn của FDA chấp thuận cho fluoxetine của Lilly sử dụng để điều trị PMDD. Lần này nó không còn mang tên Prozac mà có tên Sarafem với dạng viên màu tím và hồng nhạt!
Trong thực tế, tiền bạc mà những công ty dược bỏ ra “thuê” bác sĩ kê toa được tính vào túi bệnh nhân. Một nghiên cứu ở Na Uy ước tính hàng năm nước Anh có thể tiết kiệm hơn 100 triệu đôla và nước Mỹ tiết kiệm 500 triệu đến 1 tỉ USD nếu bác sĩ kê cho bệnh nhân các loại thuốc giá rẻ. Một nghiên cứu của Úc cũng cho thấy người dân nước này tiết kiệm được 100 triệu đôla mỗi năm nếu bác sĩ kê cho họ các loại thuốc cũ nhưng hiệu quả tương đương.
Đánh bật mọi rào cản
Không chỉ với bác sĩ, bằng tiền bạc thừa mứa, các tập đoàn dược phẩm còn cắt đứt được những mắt xích quan trọng khác của hệ thống bảo vệ sức khoẻ con người. Theo Ray Moynihan, có đến 60% nghiên cứu y sinh học và phát triển ở Mỹ được tài trợ bởi tư nhân mà đa phần là công ty dược phẩm. Trong vài lĩnh vực như thí nghiệm thuốc trầm cảm, con số này thậm chí lên đến 100% và hầu như tất cả thử nghiệm lâm sàng về thuốc trầm cảm mới đều được tài trợ bởi những công ty dược thay vì các quỹ công hoặc phi lợi nhuận. Trong trường hợp này, giá trị khách quan của nghiên cứu là một câu hỏi lớn vì xung đột lợi ích là quá rõ.
Ngay cả những người nổi tiếng, các giáo sư có ảnh hưởng lớn trong giới y khoa cũng bắt tay với hãng dược để buôn bán bệnh tật. Năm 2004, dân Mỹ đã căm giận tột cùng về hành động trơ trẽn của TS H. Bryan Brewer, bác sĩ và nhà khoa học hàng đầu của viện Sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ. Tại một hội thảo của hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Brewer nhận xét Crestor, sản phẩm dùng hạ cholesterol máu của tập đoàn dược AstraZeneca, “an toàn và hiệu quả cho người dùng”. Ý kiến này được đánh giá là có giá trị đến nỗi được tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ đăng lại trong một số đặc biệt cho giới y khoa nghiền ngẫm, đúng vào dịp Crestor được tung ra thị trường. Trớ trêu thay, sau đó người ta phát giác Brewer cũng là cố vấn được AstraZeneca… trả tiền. Một số nhà khoa học còn phát hiện Brewer cố ý không đề cập đến một số tác dụng phụ chết người của Crestor!
Quan chức y tế, những người phòng thủ sau cùng, cũng bị “hạ gục” dễ dàng bởi các tập đoàn dược phẩm. Năm 2004, khi định nghĩa về tăng cholesterol trong hướng dẫn trị liệu (guideline) của viện Sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ được xem xét lại, đột nhiên 4 triệu người dân nước này bị liệt vào diện phải dùng các thuốc hạ cholesterol. Thế nhưng sau đó mọi người mới vỡ lẽ tám trong chín chuyên gia thực hiện hướng dẫn trị liệu là những người chuyên đi báo cáo, nghiên cứu và cố vấn được trả tiền bởi các ông trùm dược phẩm như Pfizer, Merck, Bristol-Myers Squibb, Novartis, Bayer, Abbott, AtraZeneca và GSK. Mối liên hệ này không được nói đến trong hướng dẫn trị liệu được công bố cho công chúng, cho đến khi báo chí phát hiện.
Theo Phan Sơn – Sài Gòn tiếp thị