Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh đã khẳng định như vậy tại buổi giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 20/5, cung cấp các thông tin về dịch bệnh mùa hè.
|
Tiêm phòng vắc xin là cách tốt nhất phòng sởi. Ảnh minh họa |
Với bệnh tay chân miệng, hiện đã có 287 trường hợp, giảm 38,9% so với cùng kỳ năm trước dù đang xuất hiện nhiều tại các tỉnh phía Nam. Bệnh lây lan theo đường tiêu hóa nên trong mùa hè, nguy cơ mắc bệnh này tại nhóm trẻ gia đình rất cao. Về bệnh dại, có 2 trường hợp tử vong do dại lên cơn, trong đó có 1 trường hợp tại huyện Chương Mỹ, trường hợp còn lại tại huyện Sóc Sơn.
Đáng chú ý, số trường hợp mắc bệnh thủy đậu trên toàn thành phố hiện là 1.159 trường hợp, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2013. Trước việc dịch bệnh này gia tăng, Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo người dân nên cho con đi tiêm phòng vắc xin và tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở…
Về bệnh sởi, số bệnh nhân sởi mới và nhập viện đang giảm mạnh. Nếu như ngày 25/4 có 152 bệnh nhân nhập viện thì đến ngày 19/5 còn 50 bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị tại bệnh viên Trung ương và Hà Nội cũng giảm dần, còn 113 trường hợp/ngày, giảm 62,3% so với trước.
Đến nay, có 20 quận, huyện đã qua 21 ngày không có bệnh nhân mới sởi là Ba Đình, Ba Vì, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sơn Tây, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Xuân, Thương Tín, Ứng Hòa và Thanh Oai.
Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ 9-23 tháng tuổi đạt 98,3%; Sở cũng tổ chức tiêm vắc xin bổ sung miễn phí cho hơn 4.400 trẻ từ 9 tháng đến dưới 6 tuổi tại Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và 30 điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế 30 quận, huyện. Từ ngày 12/5, Sở Y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi. Đến ngày 19/5, đã có 80.694/82.421 trẻ trong độ tuổi trên được tiêm, chiếm 97,9%; 100% các quận, huyện, thị xã đạt tỷ lệ tiêm trên 95%.
Dù dịch sởi được khống chế nhưng tại các bệnh viện còn bệnh nhân nặng có nguy cơ tử vong cao, trong đó bệnh viện Nhi Trung ương có 10 ca.
Trả lời câu hỏi của báo chí về kinh nghiệm rút ra qua đợt dịch sởi và khi nào Hà Nội sẽ dập được dịch? Với tỷ lệ tiêm vắc xin sởi cao, liệu dịch có quay trở lại? Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, hiện chưa có đánh giá cụ thể về việc phòng chống đợt dịch sởi vừa qua nhưng những bài học kinh nghiệm đã được rút ra, trong đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã rút ra các kinh nghiệm.
Thứ nhất, về truyền thông, công tác truyền thông chưa phổ biến hết được đến người dân về lợi ích của tiêm chủng, khi có một vài trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, ngành đã không truyền thông rõ nguyên nhân khiến nhiều người hoang mang nên tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Thứ hai, ở một số bệnh viện lớn, các cháu bị ốm tập trung nhiều gây quá tải dẫn đến lây chéo ở bệnh viện. Với những cháu dưới 1 tuổi mắc bệnh tim, bại não, viêm phổi mà lại mắc thêm sởi thì bệnh càng nặng hơn. Vì vậy, việc tuyên truyền cho người dân nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám chữa khi trẻ nhỏ bị ốm thông thường là cần thiết.
Thứ 3, ngành y tế phải quyết liệt hơn trong công tác tiêm chủng. Trước đó, tỷ lệ tiêm vắc xin ở Hà Nội chỉ là 75% nhưng thời gian qua, với sự quyết liệt của toàn ngành, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi đã đạt cao. “Đó là những kinh nghiệm ban đầu, sau này khi đánh giá sẽ có thêm những kinh nghiệm khác”-Phó Giám đốc Sở Y tế nói.
Về việc khi nào Hà Nội dập được dịch, ông Hạnh cho biết, hiện Hà Nội đã khống chế được dịch sởi nhưng để nói dập được dịch sởi thì không thể khẳng định là dịch hết ngay được mà dịch phải giảm từ từ. Theo đó, đến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 sẽ còn “đuôi dịch”. Kể cả dù đã loại trừ được dịch thì hằng năm sẽ vẫn có thể có số trường hợp sốt phát ban nghi sởi và sởi dương tính nếu như hệ thống giám sát bệnh không tốt.
Trước ý kiến về vắc xin miễn phí kém chất lượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Các loại vắc xin dù miễn phí hay dịch vụ khi được đưa ra thị trường đều được kiểm tra nghiêm ngặt và phải đảm bảo chất lượng. Vì vậy, “không thể nói cứ vắc xin miễn phí là kém chất lượng”- ông Hạnh nhấn mạnh.
Để chứng minh điều này, ông Hạnh cho biết, từ năm 1985 khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đối với 6 bệnh và đến nay là với 8 bệnh thì nhờ chương trình này đã giảm được hàng trăm lần truyền nhiễm bệnh ở trẻ, đặc biệt là với các bệnh như ho gà, bại liệt, lao…