Mỗi khi mắc bệnh, đặc biệt là bệnh nặng hay mạn tính thì người dân thường có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”. Họ có thể đi khám bệnh ở nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc cùng lúc. Các thầy thuốc cảnh báo điều này là rất nguy hiểm, bởi việc điều trị không đúng cách, uống nhiều loại thuốc cùng một lúc không những không khỏi bệnh mà còn làm cho tình trạng bệnh nặng lên, thậm chí có thể gây tử vong.
Bệnh nặng hơn vì vái tứ phương
Bé V., 7 tháng tuổi (Cao Bằng) được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng lờ đờ, mệt mỏi, có dấu hiệu ngừng thở. Khai thác tiền sử bệnh, gia đình cho biết bé bị bệnh động kinh, đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương. PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Dấu hiệu của bé rất lạ, bé lờ đờ, nôn mửa, bụng trướng, đi ngoài phân màu đỏ như bã trầu – không phải là do tác động của thuốc động kinh. Do đó, chúng tôi đã phải khai thác rất kỹ tiền sử bệnh thì được biết gia đình còn cho bé uống thuốc Đông y do người làng mách bảo, vị thuốc đó chính là thần sa. Sau vài ngày uống loại thuốc này, bé rơi vào trạng thái lờ đờ…
(Ảnh minh họa)
Theo ThS. Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục phó Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế thì thần sa là một vị thuốc Đông y. Từ xa xưa, các thầy thuốc đã sử dụng thần xa như một dược liệu có tác dụng an thần, chữa bệnh điên, mất ngủ, ác mộng, dùng ngoài trị mụn nhọt. Tuy nhiên, đây là một vị thuốc cực độc, do đó nó được chỉ định rất ngặt nghèo do những thầy thuốc có nhiều kinh nghiệm bào chế và đưa ra hàm lượng phù hợp. Việc sử dụng theo mách bảo hoặc do thầy thuốc không đủ kinh nghiệm sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Các hiện tượng ngộ độc thuốc nhẹ thì ảnh hưởng tới hệ thần kinh, nặng có thể tử vong. Với trường hợp của bé V., nhờ khai thác sớm vị thuốc gây độc mà gia đình đã cho cháu sử dụng, nên sau 3 tuần điều trị bệnh nhi đã được xuất viện. “May mắn là tình trạng ngộ độc chưa nặng và do khai thác được vị thuốc bệnh nhân dùng nên việc điều trị cũng thuận lợi hơn. Nhưng điều đáng nói là người nhà bệnh nhi không biết đây là vị thuốc độc. Họ chỉ nghĩ rằng đó là thuốc an thần chống co giật, tốt cho con họ mà không hề ý thức được sự nguy hiểm nếu dùng bừa bãi”. TS. Dũng cảnh báo. “Thực tế trước đây, đã có trường hợp ngộ độc thần sa và tử vong. Vì thế, người dân không nên chủ quan, tùy tiện dùng các vị thuốc Đông y sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em”, TS. Dũng cho biết thêm.
Cần cảnh giác khi dùng thuốc
Việc ngộ độc thuốc Đông y không chỉ ở vị thuốc thần sa mà nhiều vị thuốc khác nếu không được bào chế đúng cách cũng gây ngộ độc. Cũng theo PGS.TS. Dũng, Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai cũng đã từng cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em uống thuốc Đông y dẫn tới bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu, đã từng có trường hợp tử vong cách đây vài năm.
Tại BV Nhi Trung ương, dù chúng tôi chưa có số liệu chính xác, nhưng theo PGS.TS. Lê Thanh Hải – Giám đốc BV thì hàng năm số bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu vì dùng thuốc Đông y cũng khá lớn. Đa số các trường hợp trong tình trạng nguy kịch và không ít trường hợp tử vong.
Cũng theo PGS.TS. Hải, việc dùng thuốc Đông y để điều trị có hiệu quả đã được chứng minh từ cổ xưa tới nay. Ngày nay, việc kết hợp Đông – Tây y để hỗ trợ điều trị cũng cho thấy rất tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc Đông y bừa bãi theo kinh nghiệm dân gian; dùng thuốc quá liều; thuốc không đảm bảo chất lượng… đã dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc. Để hạn chế được những rủi ro khi sử dụng thuốc Đông y, không chỉ cần có một hệ thống quản lý mà còn cần đến sự hiểu biết của người dân để tránh lạm dụng thuốc. Đặc biệt ở các vùng xa, khi mà sự hiểu biết về y tế còn hạn chế, người dân thường tìm đến các thầy lang hoặc tự đi hái lá về để điều trị bệnh thì việc quản lý càng khó khăn. Việc lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc không đúng sẽ không điều trị được bệnh mà còn khiến tình trạng bệnh nặng lên.
Ông Hải cho biết, việc ngộ độc thuốc Đông y rất khó để điều tra. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” nên người bệnh uống thuốc ở rất nhiều nơi theo mách bảo. Trong một thang thuốc lại có nhiều vị thuốc khác nhau, thậm chí nó còn được tẩm ướp chất chống mối mốc, trộn lẫn tân dược… nên việc phân tích bệnh nhân bị ngộ độc vì hoạt chất nào là rất khó.
Ông Hải nhấn mạnh: “Ngộ độc thuốc để lại những di chứng nặng nề. Nặng thì suy gan, thận hoặc để lại tổn thương ở não thậm chí dẫn đến tử vong. Còn nếu bệnh nhân được chữa khỏi thì chi phí cho điều trị cũng vô cùng tốn kém, bởi bệnh nhân cần được sử dụng phác đồ điều trị, thiết bị và dịch vụ y tế đặc biệt”.
Thu Hà – SKĐS