Theo mạng tin “Sankei Express”, Tòa án Tối cao Nhật Bản ngày 11/1 đã ra phán quyết công nhận hoạt động buôn bán dược phẩm qua mạng Internet. Cùng ngày, các công ty dược phẩm, bên nguyên trong phiên xử trên của tòa, trong đó có Kenkokomu (www.kenko.com) đã nhanh chóng mở cửa gian hàng dược phẩm trực tuyến.
Tuy việc bán thuốc qua mạng giúp gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng nhưng lại phát sinh nỗi lo xuất hiện những doanh nghiệp làm ăn “chụp giật”, lợi dụng môi trường trực tuyến để trục lợi, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý là phải “cân đo, đong đếm” giữa tính tiện lợi và độ an toàn của loại hình kinh doanh dược phẩm qua mạng.
Cửa hàng bán thuốc ở Nhật Bản
“Khi bán thuốc trực tiếp, dược sĩ có thể phát hiện các dấu hiệu quan trọng (thông tin về sức khỏe) như khí sắc hay tình trạng hô hấp của bệnh nhân. Trong khi qua mạng Internet, dược sĩ không hề có thông tin gì mà chỉ bán hàng tùy thuộc vào ý muốn của người bệnh. Như vậy, liệu có ổn không?” – một nữ dược sĩ 32 tuổi tại một cửa hàng thuốc ở quận Chiyoda, Tôkyô, chia sẻ.
Những người phản đối việc bán thuốc qua mạng tỏ ra nghi ngại về độ an toàn của loại hình kinh doanh này. Như vậy, khái niệm “bán hàng trực tiếp” vốn lâu nay được coi là nguyên tắc vàng của việc bán thuốc ở Nhật Bản sẽ bị phá vỡ.
Trong khi đó, công ty Kenkokomu lại phản ứng một cách khá tự tin trước mối quan ngại này: “Công ty thiết lập cổng tiếp nhận thắc mắc, ở đó, dược sĩ có thể trực tiếp giải đáp các câu hỏi và lo lắng của người tiêu dùng qua thư điện tử”.
Tuy nhiên, theo một điều tra của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tiến hành hồi năm ngoái, trong số 213 trang web, số lượng các website thực sự trả lời thư liên quan đến dược phẩm của khách hàngchỉ chiếm 65,7%. Như vậy, một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia bán hàng qua mạng thì khả năng số lượng các trang web đen “im lặng” trước thắc mắc của người tiêu dùng sẽ gia tăng.
Nỗi lo thuốc giả
Sau khi tiếp nhận phán quyết của tòa, Công ty thương mại điện tử hàng đầu Nhật Bản, Rakuten ngày 11/1 tuyên bố: “Số lượng chữ ký yêu cầu bãi bỏ lệnh cấm (kinh doanh dược phẩm qua mạng) đã vượt quá 1,5 triệu và chúng tôi hoan nghênh phán quyết trên”.
Trong khi đó, hãng Yahoo! Japan, cũng là một “đại gia” bán lẻ dược phẩm trực tuyến ở Nhật Bản, cam kết: “Công ty sẽ chuẩn bị hướng đến việc mở rộng quy mô xử lý; tiếp tục nỗ lực để duy trì sức khỏe của người dân và chuẩn bị cho một môi trường buôn bán dược phẩm an toàn”.
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng tiếp cận được với những trang web làm ăn đàng hoàng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có hơn một nửa số thuốc được mua qua các trang web vi phạm pháp luật, không ghi địa chỉ nhà cung cấp, là thuốc giả.
Hiện Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho rằng “trong số các nước phát triển, Nhật Bản là nước ít phát hiện thuốc giả khi tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất” nhưng giờ đây, nguy cơ đó có thể sẽ gia tăng ngay tại thị trường nội địa.
Hơn nữa, nếu người tiêu dùng sử dụng thuốc không đúng cách thì sẽ chỉ càng làm gia tăng nguy cơ đối với sức khỏe. Liên quan đến nguy cơ mua thuốc với số lượng lớn của những khác hàng mắc chứng “ghiền” dược phẩm, Kenkokomu cho rằng công ty sẽ tự thiết lập cơ chế ngăn chặn như “trong trường hợp người mua đặt hàng một số lượng lớn cùng một loại thuốc, trang web sẽ giữ lại đơn hàng này cho tới khi dược sĩ thảo luận với khách hàng”.
Giáo sư Kazuo Kimura chuyên gia dược học quốc tế thuộc Đại học Kanazawa cho rằng cần phải xác lập cơ chế chứng thực khi tiến hành bán thuốc qua mạng tại thị trường nội địa (Nhật Bản). Theo ông Kimura, người tiêu dùng “cần phải được giáo dục ý thức đó là xác định rõ những rủi ro có thể gặp phải khi quyết định mua thuốc qua mạng”.
Hữu Thắng(P/v TTXVN tại Nhật Bản)