Làm kháng sinh đồ giúp thầy thuốc chỉ định thuốc hợp lý hơn
Thuốc uống có nhiều dạng thuốc nhất như: thuốc viên (viên nén, viên nén bao đường, viên bao tan trong ruột, viên nhộng…), thuốc nước (nhũ dịch, sirô, dung dịch), thuốc gói, thuốc cốm.
Thuốc dùng ngoài có: viên đặt âm đạo; thuốc nước nhỏ mắt, nhỏ tai; thuốc mỡ: tra mắt, bôi ngoài; thuốc phun sương xịt mũi…
Vì vậy, quy chế sử dụng thuốc kháng sinh: kháng sinh là loại thuốc phải được bác sĩ khám bệnh kê đơn mới được mua (hoặc cấp) và sử dụng.
Những tai biến do sử dụng thuốc kháng sinh
– Dị ứng (trường hợp nặng là sốc phản vệ dẫn đến tử vong).
– Loạn khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.
– Nhờn thuốc, nguy hiểm hơn là tăng số loại vi khuẩn kháng thuốc.
– Nhiễm độc phổ biến là hại gan, thận. Nhiễm độc chọn lọc trên bộ phận cơ thể: điếc (streptomycin, gentamycin); đứt gân gót chân (nhóm quinolon); suy tủy dẫn đến tử vong (chloramphenicol); viêm nhiều dây thần kinh (rimifon); hỏng men răng (tetracyclin); mất bạch cầu hạt (sulfamid)…
Trong những tai biến do kháng sinh kể trên thì dị ứng chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Có trường hợp một nữ sinh bị ngất xỉu do ngửi phải hơi penicillin khi xem y tá tiêm penicillin cho bạn ở BV Mai Hương (1975). Hoặc một trường hợp dùng thuốc nhỏ mắt chloramphenicol, sau khi nhỏ thuốc, người bệnh bị sưng tím mặt mày, phải vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu (1999). Những trường hợp này dị ứng thuốc là do cơ địa của người bệnh, thuộc loại bất khả kháng.
Đặc biệt cần lưu ý những trường hợp do thiếu hiểu biết, dùng kháng sinh không đúng dẫn đến gặp phải những tác dụng phụ đáng tiếc như: trẻ em bị hỏng men răng (răng vàng ố suốt đời) vì mẹ uống thuốc tetracyclin khi mang thai (do mẹ thiếu hiểu biết tự ý mua thuốc dùng hoặc bác sĩ thiếu sót, không biết người bệnh mang thai). Trẻ em bị điếc do tiêm streptomycin quá liều bác sĩ quy định (do y tá thiếu tinh thần trách nhiệm)…
Uống thuốc kháng sinh thế nào thì tốt?
Uống thuốc đúng liều, đúng khoảng cách giờ, để đảm bảo trong cơ thể lúc nào cũng đủ lượng thuốc chống chọi với vi khuẩn. Ví dụ: trong đơn bác sĩ ghi: uống 2 lần/ ngày thì khoảng cách giờ mỗi lần uống thuốc là 12 giờ. Uống 3 lần/ngày, khoảng cách giờ là 8. Uống thuốc đủ số ngày bác sĩ ghi trong đơn (là một liệu trình) thường là 7 hoặc 10 ngày.
Nước uống thuốc: tốt nhất là nước trà xanh (chè tươi hoặc chè búp khô) do nước trà xanh giúp kháng sinh đẩy nhanh tốc độ diệt vi khuẩn. Công trình nghiên cứu của TS. Mervat Kassem Đại học Alexandra – Ai Cập. Thực nghiệm được tiến hành trên hai nhóm người. Nhóm thứ nhất uống kháng sinh với nước trà xanh. Nhóm thứ hai uống kháng sinh với nước sôi nguội. Kết quả: nhóm uống kháng sinh với nước trà xanh ngăn chặn được 28 loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu người bệnh không uống được nước trà xanh thì dùng nước sôi nguội.
Những loại kháng sinh phải uống trong bữa ăn: là các loại thuốc kích thích đường tiêu hóa, thuốc không bị giảm hấp thu do thức ăn, như: metronidazol, tinidazol; doxycyclin, tetracyclin; ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin (thường bác sĩ đã ghi trong đơn thuốc).
Những loại kháng sinh phải uống xa bữa ăn (trừ các loại thuốc nêu trên) trước bữa ăn 2 giờ hoặc sau bữa ăn 3 giờ; do các loại thuốc này bị giảm hấp thu do thức ăn hoặc kém bền vững trong môi trường dịch vị.
Riêng loại viên bao tan trong ruột thì uống lúc nào cũng được.
Kiêng kỵ
Trong thời gian dùng thuốc kháng sinh, không nên uống thuốc tránh thai mà phải dùng các biện pháp tránh thai khác.
Không uống bia, rượu (nước chứa ethanol) khi dùng một số thuốc kháng sinh như: thuốc chống lao, thuốc chứa metronidazol (các dạng: uống, tiêm, đặt âm đạo), erythromycin, tetracyclin; cephalosporin, clindamycin.
Hệ lụy của việc dùng kháng sinh bừa bãi
Từ lâu, Bộ Y tế đã có quy chế về sử dụng kháng sinh, song trên thực tế nhiều người bệnh tự ý dùng kháng sinh mỗi khi trái nắng trở trời hoặc đến nhà thuốc kể bệnh để người bán thuốc chọn hộ kháng sinh. Khi mang thuốc về nhà dùng vài ngày thấy đỡ thì thôi (nhiều trường hợp bệnh tự khỏi chứ không phải do kháng sinh).
Có người bệnh điều trị ở bệnh viện, bác sĩ cho uống metronidazol dặn cấm uống rượu, nhưng bữa ăn nào cũng uống 3 chén rượu trắng. Hiện nay, nhiều cơ sở y tế chưa có điều kiện làm kháng sinh đồ. Do đó đã gây ra nhiều loại vi khuẩn gây bệnh kháng với kháng sinh và tổn hại sức khỏe người bệnh.
AloBacsi.vn