Mở chiếc túi vẫn còn ấm nóng, bên trong là hai chiếc dây rốn xoăn tít, vẫn còn lem nhem máu, chị ta khoe: “Vừa có hai ca sinh, chị liền lấy ngay hai dây này cho em đó”. Tôi tỏ ra lo ngại về các bệnh truyền nhiễm, người này vội trấn an: Trước khi lấy, chị xem xét nghiệm rồi, hai bé này đều khỏe mạnh, không bệnh tật gì đâu. Em cứ yên tâm đem về mà làm thuốc. Nhận “hàng” xong, tôi đưa 200.000đ cho người phụ nữ này. Trước khi về phòng làm việc, chị ta khuyên, nên nhanh chóng đưa “hàng” về nhà bảo quản không để lâu dễ hỏng, lần sau có thì sẽ gọi tiếp đến lấy. Bằng phương thức trao đổi như vậy, chúng tôi còn tiếp tục liên hệ và mua “hàng” thêm 2 lần nữa, mỗi lần từ 2 đến 3 dây rốn.
Trong khi đó, chúng tôi tìm mua dây rốn tại các hiệu thuốc đông y lại khó khăn hơn, hầu hết họ đều giữ kín, chỉ bán cho những người trong nghề và mua với số lượng lớn. Tìm đến phố Hải Thượng Lãn Ông, tại một hiệu thuốc đông y lớn trên con phố này, chủ cửa hàng cho biết, trước đây có bán, nhưng từ khi xuất hiện tin thuốc thịt người bên Trung Quốc, nên cửa hàng không bán nữa. Người này cho biết thêm, trung bình một lạng là 300.000đ, tùy vào xuất xứ của nó mà giá cả đắt hay rẻ hơn.
Vào một cửa hàng đông y khác đối diện bên kia đường, chủ cửa hàng nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét, rồi liên tục đưa ra những câu hỏi để kiểm tra. Thấy không có gì nghi ngờ, người này đồng ý bán, nhưng hiện đang hết hàng, họ hẹn đến hôm sau tới lấy. Ngày hôm sau trở lại, ông chủ này lại quyết định không bán với lý do, hết nguồn cung cấp. Tuy nhiên, một người giúp việc tại đây tiết lộ, các anh là “người ngoại đạo”, lại mua ít, nên không bán đâu.
Nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm
Còn bên Tây y, dây rốn được coi là một nguồn quan trọng để chiết tách ra tế bào gốc, giúp chữa trị nhiều bệnh hiểm nghèo. Ths Trần Ngọc Quế, PGĐ Trung tâm Tế bào gốc thuộc Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết: “Máu và màng dây rốn được tách ra từ dây rốn giúp chữa được nhiều loại bệnh khác nhau như: ghép tủy xương, ung thư, các bệnh về máu, xương, da, tim mạch, gan… tương lai còn được ứng dụng, giúp tái tạo lại những bộ phận cơ thể bị mất đi”. Ông cho biết, để có thể đưa dây rốn vào chữa bệnh, phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi trình độ công nghệ cao, như quá trình chiết tách, và lưu trữ dây rốn ở nhiệt độ -196 o C.
Ths Quế khuyên, muốn sử dụng phải có nghiên cứu mới tránh được tác hại, việc tự ý dùng dây rốn chữa bệnh một cách tùy tiện, không những không mang lại hiệu quả mà còn làm phát tán các mầm bệnh nguy hiểm.
Theo một cán bộ đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, trước kia, do điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn dược liệu còn thiếu thốn, nhau thai và dây rốn được dùng làm vị thuốc trong các bài thuốc bổ. Sau khi có những cảnh báo về nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm nên chúng bị cấm dùng trong đông y, nếu có thì cũng chỉ là lén lút mua bán, sử dụng mà thôi.
“Tự ý dùng dây rốn làm thuốc chữa bệnh sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm các loại vi rút nguy hiểm như viêm gan B, HIV, các bệnh xã hội… là rất cao. Những loại virut này chỉ tạm ngưng hoạt động ở nhiệt độ cao, nhiều người đem về chế biến, sử dụng nên rất dễ bị nhiễm vi rút” ông cảnh báo.
Sang Nguyên – Lam Bảo
Theo CAND