Các vị thuốc được sử dụng nhiều nhất trong đông y là bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử và hồng hoa đều bị trộn xi măng, nhuộm phẩm màu… Nhiều vị thuốc khác không những bị làm giả mà còn bị tẩm lưu huỳnh, formaldehyde để chống mốc. Ngoài ra, nhiều loại dược liệu quý chỉ còn lại bã vì đã bị rút hết tinh chất bổ…
86% mẫu không đạt chuẩn
Từ khuyến cáo của Hội Đông y Hà Nội về nhiều loại dược liệu được sử dụng trong nước ta không bảo đảm chất lượng, vừa qua Vụ Y dược cổ truyền phối hợp với Cục Quản lý dược và Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Bộ Y tế đã bất ngờ kiểm tra hàng trăm mẫu dược liệu tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền ở 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương.
Tiến hành kiểm tra đợt một gồm 193 mẫu dược liệu ở 70 cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền ở 5 tỉnh, thành phố trên, đoàn kiểm tra không khỏi bất ngờ vì có tới 66% mẫu không đạt chỉ tiêu, chất lượng. 20% mẫu bị nhầm lẫn giữa các loại dược liệu và bị trộn lẫn hóa chất độc hại, nhuộm phẩm màu hoặc dược liệu giả có hàm lượng hoạt chất rất thấp. Hiện tại vẫn còn trên 200 mẫu dược liệu nữa kiểm tra đợt hai vẫn chưa được biết kết quả.
Đông trùng hạ thảo được làm giả một cách tinh vi
Đặc biệt, các vị thuốc nằm trong nhóm dược liệu hay được sử dụng nhiều nhất như bạch linh có tác dụng kiện tỳ bổ khí, hồng hoa chữa các bệnh về hoạt huyết, thỏ ty tử có tác dụng ôn thận tráng dương và hoài sơn có tác dụng ích khí dưỡng âm, bổ tỳ phế thận… thì đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nhưng theo Vụ Y dược cổ truyền, qua kiểm tra, kiểm nghiệm ban đầu đối với các vị thuốc trên đã phát hiện vị thuốc Thỏ ty tử có trộn một số hóa chất khi ngâm thì phát hiện có màu của xi măng hoặc chất vô cơ.
Trong thành phần của vị thuốc bạch linh bị ép ra thành viên nhỏ có đến 80% là cacbonat. Vị thuốc hồng hoa phát hiện có trộn hóa chất, bị nhuộm màu đỏ, còn hoài sơn cũng bị làm giả bằng củ cọc, củ mỡ… và nhuộm phẩm màu vàng. Hiện những hóa chất nhuộm màu cho thuốc là hóa chất gì vẫn đang được cơ quan chức năng kiểm nghiệm.
Ngoài các vị thuốc trên còn có một số vị thuốc khác như bá tử nhân, tế tân, viễn chí, hòe hoa, uy linh tiên, tần giao, kim ngân hoa… không bảo đảm chất lượng. Một số vị thuốc giả như long nhãn được làm giả bằng cùi vải, bạch linh được làm giả từ của sắn, hay vị thuốc quý hiếm như đông trùng hạ thảo cũng được làm giả bằng thân củ địa tàm và thảo thạch… Hay sâm, linh chi và hà thủ ô đỏ… đã bị rút hết tinh chất bổ chỉ còn lại bã. Rất nhiều loại thuốc đông dược khác không chỉ bị làm giả mà còn bị xông hóa chất độc hại như lưu huỳnh, formaldehyde để chống mốc.
Cũng theo Vụ Y dược cổ truyền, càng ngày các loại thuốc đông dược càng được làm giả tinh vi hơn nên rất khó nhận biết. Trước đây nếu muốn phát hiện vị thuốc bạch linh thật hay giả thì chỉ cần ngâm vào nước, nếu giả thì vị thuốc này sẽ tan nhanh chóng. Nay để đối phó với việc trên, các đối tượng làm hàng giả đã trộn canxi cacbonat vào Bạch linh để làm cho vị thuốc này không tan trong nước khi thử…
Lợi nhuận đã làm mờ y đức
Nguyên nhân của việc ngày càng nhiều các vị thuốc đông dược bị làm giả, tẩm hóa chất xuất hiện ở trong nước, được sử dụng tràn lan tại các cơ sở khám chữa bệnh đông y hiện nay là do trong nhiều năm qua nguồn dược liệu ở ta rất hạn chế, phần lớn đều phải nhập. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta sử dụng gần 50.000 tấn đông dược, nhưng trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% số lượng đông dược đó, còn lại đều phải nhập khuẩu. Và có tới 80% đông dược nhập khẩu đều nhập lậu từ Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có nhiều loại đông dược đã được làm giả từ trước khi nhập vào cửa khẩu nước ta, cộng với việc nhập khẩu đông dược phần lớn đều qua đường tiểu ngạch, nên nhiều loại không rõ nguồn gốc, chất lượng không được kiểm soát. Cùng với đó là việc các đối tượng buôn bán thuốc chỉ vì lợi nhuận, dù biết nhiều loại đông dược kém chất lượng nhưng vẫn buôn…
Một cửa hàng kinh doanh đông dược trên phố Lãn Ông
Trình độ kiến thức của các y, bác sĩ đông y ở một số cơ sở khám chữa bệnh đông y (nhất là các có sở khám chữa bệnh tư nhân) còn yếu kém, khả năng phân biệt thuốc đông dược thật và giả rất hạn chế. Chỉ có những thầy thuốc đông y lâu năm mới có thể phân biệt đâu là đông dược giả, kém chất lượng. Nhưng theo một lương y cho biết, nếu không phải là lương y lâu năm thì lương y đó chỉ cần mở sách chiểu theo các tiêu chuẩn, đặc điểm của Dược điển Việt Nam là có thể phân biệt được chất lượng của đông dược.
Trong thực tế, không ít chủ các cơ sở khám chữa bệnh đông y tư nhân dù biết thuốc đông dược xuất xứ từ Trung Quốc bị làm giả, chất lượng không bảo đảm, nhưng vì coi trọng lợi nhuận hơn y đức, họ cứ vô tư nhập các loại đông dược đó để chữa bệnh để rồi “sống chết mặc bay”… miễn sao có lãi nhiều càng tốt. Phần lớn người bệnh không biết được mình đã bị các cơ sở khám chữa bệnh này cho sử dụng thuốc đông y nhiễm độc.
Đến phố Lãn Ông, Hà Nội mọi người sẽ được chứng kiến cảnh ngồn ngộn các loại đông dược bày từ trong nhà và tràn ra ngoài vỉa hè. Hầu như cửa hàng bán thuốc đông y nào cũng treo tấm biển: Cắt thuốc theo đơn. Dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng có trên 80% nguồn đông dược tại các cửa hàng này đều là có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong số thuốc đông dược đó cũng rất nhiều loại kém chất lượng, bị làm giả và bị tẩm sấy, nhuộm hóa chất… Cùng với việc trên là có rất nhiều các cửa hàng thuốc đông y ở đây đều không được cấp phép hành nghề, nhưng các thầy lang vẫn vô tư bốc thuốc, có khi cũng chẳng biết mình bốc thuốc có đúng vị hay không…
Thuốc giả càng tinh vi, càng hại
Đối với người bệnh khi đến các cơ sở khám chữa bệnh đông y tư nhân còn bị mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng có tẩm hóa chất như vậy. Còn đến phố thuốc đông y Lãn Ông để buốc thuốc chữa bệnh, cũng không thể tránh được cảnh tương tự như trên, nên tiền mất mà tật lại mang…
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Phương, Phó vụ trưởng Vụ Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, các thuốc đông y càng bị làm giả tinh vi bao nhiêu, hoặc bị nhuộm, xông hóa chất độc hại… thì càng nguy hiểm. Nếu người bệnh mà sử dụng thuốc đông y như trên, nhẹ thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, còn nếu dùng lâu dài sẽ bị suy gan, suy thận, hoặc ung thư…
Để ngăn chặn tình trạng trên, ngoài công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành khẩn trương tiến hành kiểm tra chất lượng dược liệu, thuốc đông y trong các đơn vị khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tăng cường tập huấn trình độ chuyên môn cho lãnh đạo bệnh viện, cán bộ dược chuyên nhập đông dược tại các bệnh viện. Đồng thời đề nghị với cơ quan chức năng tăng nặng mức xử phạt, thậm chí có thể xử lý bằng hình sự đối với các hành vi buôn bán, hay cho người bệnh sử dụng dược liệu giả, kém chất lượng.
Theo khuyến cáo của Hội Đông y Hà Nội, người bệnh nên đến khám, chữa bệnh, bốc thuốc tại các bệnh viện đông y để tránh việc phải sử dụng thuốc giả, thuốc tẩm hóa chất độc hại, nhằm bảo đảm sức khỏe của mình.
Phú Yên – PetroTimes