Điện thoại cho bà Hồng, bà nói bà có việc bận phải ra Ninh Hòa. Hỏi về giá cả, bà phán một câu chắc nịch: “Bữa nay 700 nghìn/ký, nhưng không có hàng”. Tôi nói: “Ông xã chị vừa cho biết là ở nhà còn hai mươi mấy ký…”. Bà Hồng, đáp: “Cái đó tui hứa giao cho người ta rồi”. Mấy phụ nữ ngồi ăn bánh ở một quán cóc ven đường nói: “Nó lên giá còn hơn vàng nữa anh ơi. Mới bữa kia là 450 nghìn, bữa qua lên 500, bữa nay 700. Mai mốt không chừng lên tới 1 triệu /kg”.
2. Xin nói thêm là trước ngày ra Ninh Vân để tìm hiểu vụ việc, một phụ nữ tên Hiền, nhà ở phường Tân Hòa Đông, quận 6, TP HCM đã đến Tòa soạn Báo CAND – Chuyên đề ANTG gặp chúng tôi. Theo lời chị Hiền, chị mua 10kg cây thần dược ở nhà bà Hồng và được bà đưa cho 1 tờ giấy khoảng bằng bàn tay, trong đó hướng dẫn cách uống, đồng thời khi cần thì “liên hệ với cô Hồng, số điện thoại 0169509…”. Theo lời chị Hiền thì: “Lần trước mua, nấu uống không thấy đắng nhưng lần này thì khá đắng nên nhờ các anh coi giúp xem có phải là cây giả hay không”.
Khi ấy, quan sát mớ cây thần dược đã được chặt thành từng lát nhỏ, chúng tôi thấy một số lát – thay vì bình thường là màu vàng nhạt thì nó lại có màu trắng sáng, không mùi thơm và thớ gỗ cũng to hơn. Tiến hành làm thí nghiệm mà trước đây, dược sĩ Nguyễn Văn Đạt đã hướng dẫn cho tôi, rằng “phần lớn các chất trong cây xáo tam phân đều ở dạng tinh dầu. Mà tinh dầu thì tan nhanh trong rượu, tôi chọn ra mấy lát cây nghi ngờ, cho vào chiếc bát chứa rượu trắng.
Đợi hơn 15 phút, màu rượu vẫn là màu trắng trong lúc cho cây “thật” vào một bát rượu khác, chỉ trong vài phút, rượu chuyển sang màu vàng, càng lúc càng đậm dần. Vẫn nói chuyện với bà Hồng qua điện thoại, tôi hỏi bà về chuyện cây thật cây giả thì bà nói: “Cái đó em không biết. Em đã ngưng phát tờ giấy hướng dẫn đó từ nửa năm nay rồi!”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi còn biết bà Nga, 56 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TP HCM, để chắc ăn đã ra tận Ninh Vân, Ninh Hòa – “quê hương” của cây thần dược – rinh về 10 kg đã xắt lát với giá 700 nghìn đồng/kg. Đến khi nhờ người rành rẽ kiểm chứng chất lượng, bà Nga kêu trời khi biết lẫn trong đống “thuốc thần tiên” của mình có cả thứ cây “lạ”, bề ngoài rất giống cây xáo tam phân nhưng có mùi hắc. Nhai thử, chúng tôi thấy nó có vị đắng và một lát, lưỡi và khoang miệng có cảm giác như bị rộp. Chưa rõ nó có độc tính hay không, độc như thế nào nhưng người bệnh gan hoặc ung thư uống nhầm thứ cây này, thì chưa biết hậu quả sẽ ra sao….
Thần dược thật đổi màu trong rượu trắng, còn giả thì không.
Ra khỏi nhà bà Hồng, chúng tôi đến nhà ông Lê Hăng, người đã lành bệnh xơ gan nhờ cây thần dược và hiện là một trong hai điểm lớn nhất, chuyên mua bán loại cây này ở xã Ninh Vân. Còn cách nhà ông chừng 50 mét, thấy có mấy chiếc xe gắn máy dựng trước cửa, tôi vào một quán cóc ven đường ngồi quan sát.
Chừng vài phút, một đôi thanh niên nam nữ bước ra, tay xách một bịch nilon nhỏ. Giả như người đi tìm mua cây thuốc, tôi hỏi thì được biết họ ở thành phố Nha Trang, ra đây mua về cho người nhà đang bị ung thư gan. Anh thanh niên tên Lâm cho biết: “Em muốn mua 20kg nhưng ông Hăng chỉ bán 2kg”. Hỏi lý do vì sao, anh Lâm đáp: “Ổng nói nguồn thuốc chính gốc Hòn Hèo gần như đã cạn kiệt, nhà ổng cũng còn rất ít. Ổng chỉ bán cho những người thật sự có bệnh tật”. Lát sau, một chị phụ nữ cũng theo ra. Chị tên Yến, nhà ở quận 12, TP HCM, mua thuốc chữa xơ gan cho người anh ruột.
Hỏi chị mua được bao nhiêu, chị giơ cái bịch nilon lên: “Dạ, chỉ được 2 kg”. Khi anh Sơn – bạn tôi – người đã lái xe đưa tôi ra Ninh Vân – trình bày là mình từ Vĩnh Long ra đây, vì đường sá xa xôi nên muốn mua 30kg cây thuốc về để dành, chữa cho người anh ruột bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối – và tôi cũng xác nhận điều đó, ông Hăng nói: “Tôi hiểu nhưng mong anh thông cảm. Mua bán cũng phải kiếm chút lời để sống nhưng nhiều người vô đây mua về bán lại với giá cao gấp 2, 3 lần. Họ nói ông Lê Hăng bán giá đó nên bây giờ, nếu thực sự có bệnh, tôi chỉ bán tối đa 5kg mà thôi”.
3. Thật ra, không chỉ ông Lê Hăng, bà Trần Thị Xuân Hồng là tụ điểm mua bán cây thần dược, mà ở xã Ninh Vân còn có khá nhiều người tham gia công việc này. Một phụ nữ đứng gần lúc tôi nói chuyện với chị Yến, đã lẹ làng bước tới, dúi vào tay tôi một tấm card. Tôi đọc thì thấy: “Tâm, chuyên bán rễ trị bệnh gan. Cây thần dược Ninh Vân, chỉ có ở núi Hòn Hèo vùng biển Ninh Vân, Khánh Hòa…”, kèm theo đó là số tài khoản ngân hàng, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng. Hình cây thần dược trong tấm card này cũng chính là hình mà Chuyên đề ANTG đã đăng trong bài báo đầu tiên nói về cây xáo tam phân.
Chưa hết, khi xe chúng tôi vừa qua khỏi cổng xã và vừa rẽ sang tay trái một đoạn chừng 50 mét, một cô gái đứng trong hàng rào của một căn nhà đã mau mắn hỏi: “Các chú đi mua cây thần dược hả?”. Khi thấy tôi gật đầu, cô chỉ vào trong nhà – nơi thần dược phơi khô, xắt lát đã đóng thành từng bao, còn gốc, rễ chất như củi. Hỏi giá, cô đáp: “700 nghìn”…
Theo lời một số người mua bán cây thần dược, thì sau khi có kết luận của Viện Dược liệu Bộ Y tế, giá cây thần dược tăng đến chóng mặt mà nguyên nhân là người đi chặt hái “làm giá”. Anh Trà, người cũng tham gia mua bán loại cây này nói: “Họ kêu 400 nghìn đồng/kg thì mình phải mua 400 vì nếu không mua, sẽ không có thuốc bán cho khách hàng”.
Cuối cùng, chỉ những người cần sử dụng là lãnh đủ. Giải thích về việc này, một số thanh niên chuyên đi chặt cây thần dược cho biết, hiện nay họ phải đi xa hơn, tìm kiếm khó khăn hơn và nhất là phải canh chừng lực lượng kiểm lâm, công an, biên phòng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 90% cây “xáo tam phân” bán ở Ninh Vân hiện nay đều có nguồn gốc từ Vạn Ninh, Vũng Rô hoặc Đại Lãnh, chứ “chính hiệu Hòn Hèo” hầu như chẳng còn nhiều – ngoại trừ một số người nhanh tay tích trữ từ trước.
Theo ý kiến của các nhà thực vật học, dược học, thì: “Tính chất của cây thuốc phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thổ nhưỡng, môi trường, nhiệt độ. Một cây thuốc mọc ở vùng đất này có thể chữa trị bệnh A, bệnh B, rất tốt. Nhưng nếu mọc ở vùng khác, có khi nó không tốt bằng hoặc không tác dụng”. Chưa kể nếu vùng đất ấy nhiễm chất độc dioxin thì bản thân cây thuốc cũng có chứa dioxin. Nếu uống vào, “thánh dược” cũng không ngăn nổi những hậu quả nặng nề chứ đừng nói là “thần dược”.
Để giúp chúng tôi phân biệt, ông Lê Hăng đưa ra hai mẫu cây – một thật một giả. Quan sát bằng mắt thường, rất dễ dàng nhận biết sự khác nhau giữa hai loại cây. Với cây thật, vỏ cây mịn, màu vàng ngà, thân cây uốn lượn rất “mềm” chứ không gấp khúc, ngửi thấy thơm mùi sâm. Trên thân, vẫn còn vết của những gai nhọn đã được chặt bỏ. Riêng cây giả, vỏ cây màu xám trắng, thân nhỏ hơn, thớ cây màu hơi trắng và không có mùi thơm cũng như không có dấu gai. Tuy nhiên, nếu xắt lát rồi trộn chung với cây thật thì có “thánh” mới biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có thể nó được làm giả ngay từ những người đi chặt hái và cũng có thể người bán vì lợi nhuận, nên đã trộn lẫn vào…
Có bệnh thì vái tứ phương. Việc cây thần dược chữa được 5 dòng tế bào ung thư và viêm gan cấp đã như một “phép lạ” với những người chẳng may mắc phải những bệnh hiểm nghèo. Nhưng trộn lẫn “thuốc giả” vào “thuốc thật” để tăng thêm lợi nhuận, hoặc lợi dụng tình trạng thập tử nhất sinh của người bệnh để chặt chém thì xem ra, các ngành chức năng cũng cần có những biện pháp chế tài thích đáng để tránh tình trạng tiền mất, tật mang…
Vũ Cao