Trả lời trước vấn đề Phó Chủ tịch Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói “Đây là câu hỏi khó nhất”. Theo Bộ trưởng Tiến, từ trước đến nay giá thuốc do Bộ Y tế quản lý. Nhưng thuốc là mặt hàng đặc biệt, không mặc cả được, thầy thuốc kê thế nào thì người bệnh phải mua như vậy. Thực tế, Bộ Y tế chịu trách nhiệm từ phân phối, sử dụng, đấu thầu, ghi toa nên e ngại không độc lập, công khai. Bộ Y tế đã thành lập đoàn đi các nước khác khảo sát thấy, giá thuốc không nằm ở Bộ Y tế. Ví dụ ở Thái Lan là Bộ Thương mại quản lý; Ấn Độ là Công thương; Còn Trung Quốc là Ban quản lý Trung ương. “Bộ Tài chính là quản lý chung về giá, đột biến giá. Vì vậy, đề xuất Bộ Tài chính quản lý”-Bộ trưởng Tiến cho hay.
Sau khi nghe Bộ trưởng Tiến giải trình xong, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục bày tỏ không đồng tình khi “chưa xác định rõ người nào chịu trách nhiệm trước nhà nước về giá thuốc”. Theo bà Ngân, Bộ Y tế quản lý chuyên ngành là được nhưng quản lý giá thuốc là không được. Hội đồng độc lập định giá thuốc có phải là cấp trên của hai bộ hay không khi hội đồng này do Thủ tướng thành lập?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho rằng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về giá. Còn giá các mặt hàng là do các bộ ngành có liên quan quản lý. Ví dụ giá điện do Bộ Công thương quản lý; giá chung cư do Bộ Xây dựng; giá đất đai do Bộ Tài nguyên và môi trường. Do vậy, Bộ Tài chính chỉ phối hợp với các bộ ngành. “Thuốc là mặt hàng đặc biệt, hiện có 25 nghìn các loại thuốc chuyên ngành. Tên thuốc đọc mà không nhớ được, nói gì đến quản lý. Vì vậy nên để Bộ Y tế quản lý”-Thứ trưởng Hiếu cho hay
Luật chưa giải quyết được yếu kém
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Tại điều 38, Hiến pháp quy định quyền cơ bản của công dân đó là được bình đẳng trong quyền sử dụng các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhưng Luật Dược không đề cập đến quyền được bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phải tiếp cận ở góc độ quyền được chăm sóc sức khỏe nhân dân từ thuốc, giá thuốc, chất lượng thuốc thế nào? “Giá thuốc cao hơn thì chất lượng phải tốt hơn. Tại sao giá thuốc lại cao hơn của Lào, Thái Lan, Campuchia? Vậy cần phải xem và làm rõ?”- bà Ngân đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề của xã hội Trương Thị Mai nhận định: Quy định quản lý giá thuốc rất lằng nhằng. Bộ Y tế trình Hội đồng độc lập thẩm định giá. Hội đồng lại trình Bộ trưởng?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước thì cho rằng, Luật chưa giải quyết được những yếu kém trong lĩnh vực dược trong thời gian qua như: tình trạng khai thác dược liệu quý đang bị hủy diệt. Động vật có giá trị về mặt dược cũng không được bảo vệ.
Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, giá là do thị trường quyết định. Luật giá có quy định vai trò quản lý Nhà nước trong đó có những mặt hàng thiết yếu do Nhà nước định giá. Vì vậy, giao cho cơ quan nào thì phải xác định rõ.
Do vấn đề cơ quan nào quản lý giá thuốc vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, Ủy ban Thường vụ đã quyết định rút dự án Luật dược ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 7, và sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10-2014).