Thời gian gần đây, tại nhiều tiệm tạp hóa, quán cơm, quán giải khát, kể cả đại lý vé số có bày bán thuốc đặc trị viêm xoang. Chủ hàng nào cũng giới thiệu đó là thuốc “gia truyền”, nhưng nghe hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của mặt hàng này thì ai cũng lắc đầu…
Điều đáng nói là cả người bán và người mua đều không biết thành phần, tác dụng của loại thuốc “gia truyền” này nên rất dễ bị mua nhầm thuốc dỏm.
* Thuốc “gia truyền” 3 không
Tại một quán cơm trên quốc lộ 1, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) có trưng bảng bán thuốc viêm xoang “gia truyền”. Ngay khi nghe tôi than về bệnh viêm xoang hành hạ lâu nay nhưng chữa trị mãi không dứt, bà chủ quán khẳng định là chúng tôi đã tới đúng địa chỉ. Sau đó, người phụ nữ này đem ra một gói “thuốc” và báo giá 70 ngàn đồng/liều. Bên trong cái gói được gọi là “thuốc” này, gồm một bịch đựng những viên nhỏ như hạt đậu màu đen, một bịch đựng những hạt màu trắng giống như bột ngọt và một lọ bột màu xám tro. Thấy chúng tôi nghi ngại khi trên bịch thuốc không ghi nhãn mác, tên cơ sở sản xuất, thành phần của thuốc và đơn vị cấp giấy phép lưu hành, bà chủ quán liền trấn an: “Thằng con trai tôi dùng có 4 liều là dứt bệnh ngay. Có những người tận ngoài Bắc, nghe tin thuốc đặc trị này công hiệu đã tìm đến tôi mua. Nhiều người sau khi dùng thấy hiệu quả đã gửi tiền vào đặt mua cho người thân điều trị. Thuốc gia truyền cơ bản là chữa khỏi bệnh, cần gì nhãn hiệu. Tôi đảm bảo, cậu cứ dùng đi chắc chắn sẽ khỏi bệnh”.
Thuốc không nguồn gốc, không giấy phép lưu hành đang được bán tràn lan trên thị trường |
Tương tự, tại tiệm tạp hóa cô Sáu, thuộc KP.1, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cũng treo bảng hiệu bán thuốc viêm xoang “gia truyền”. Sau một hồi bới tung kệ hàng, bà chủ tiệm mới đưa cho chúng tôi một hộp thuốc có ghi tên người bào chế là ông Huỳnh Văn Chính. Tuy nhiên, trên hộp không ghi bất kỳ thành phần nào của thuốc cũng như đơn vị cấp giấy phép lưu hành. Điều đáng nói, khi coi kỹ hộp thuốc cô Sáu giới thiệu, chúng tôi phát hiện hạn sử dụng đã hết cách đây hơn 1 năm.
* Thiếu an toàn
Mong sớm dứt những cơn đau đầu, nghẹt mũi hành hạ, cùng với ý nghĩ thuốc “gia truyền” được chiết xuất từ thảo dược sẽ không gây tác dụng phụ nên nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua.
Theo giới thiệu của người quen, anh Trần Văn Pha, ngụ xã Xuân Tân (TX.Long Khánh) đến tiệm tạp hóa gần nhà để mua thuốc chữa viêm xoang “gia truyền” – chứng bệnh mà anh bị hành hạ đã khá lâu. Theo anh Pha, lần đầu hít “thuốc gia truyền” này, anh có cảm giác mũi bị cay nồng, tê buốt, sau đó thì dịch nhầy có pha dịch màu nâu đỏ trong mũi chảy ra. Lo lắng, anh Khanh thắc mắc với người bán thì được giải thích là thuốc đã có tác dụng và nên tiếp tục điều trị để dứt bệnh. Sau hơn 1 tuần sử dụng, anh Pha thấy không còn bị nghẹt thở hay dịch mũi tiết mùi tanh khó chịu như trước. Tuy nhiên, chỉ được ít ngày bệnh lại trở chứng và có dấu hiệu nặng hơn.
Trao đổi về thuốc đặc trị viêm xoang, bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến (Bệnh viện y học cổ truyền Đồng Nai), khẳng định: Đối với các loại thuốc chữa viêm xoang “gia truyền” được bày bán tràn lan trên thị trường gần đây, nếu sau vài lần sử dụng mà thấy hiệu quả bệnh thuyên giảm, là do các loại thuốc này đã được pha trộn thêm tân dược thuộc nhóm Corticoid có tác dụng kháng viêm nhanh và mạnh nên mới công hiệu như vậy. Tuy nhiên, loại thuốc đó không hẳn sẽ chữa trị bệnh dứt điểm, bởi thông thường y dược cổ truyền phải sử dụng lâu dài, kiên trì thì thuốc mới có tác dụng. Bác sĩ Nghị khuyến cáo, nếu sử dụng các loại thuốc này thường xuyên sẽ làm cho người bệnh lệ thuộc vào thuốc, đồng thời sẽ gặp các triệu chứng tác dụng phụ do dùng Corticoid quá liều, như: mặt tròn, tăng huyết áp, viêm loét dạ dày, loãng xương, người mập ra do bị giữ nước nhưng chân tay khẳng khiu, mệt mỏi, cáu gắt, cơ yếu…
Thuốc đặc trị viêm xoang gia truyền được bán tại tiệm tạp hóa ở KP.1, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) |
Theo bác sĩ Nghị, sử dụng thuốc hít dạng bột trực tiếp vào mũi để chữa bệnh viêm xoang là không đúng khoa học. Bởi khi hít bụi thuốc, sẽ gây tổn thương tới niêm mạc trong khoang mũi. Mặt khác, thuốc dạng bụi rất dễ xâm nhập vào phế quản hoặc phổi, có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Chính vì vậy, trong y khoa rất hiếm trường hợp dùng cách này để trị bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Nghị, các sản phẩm thuốc gia truyền muốn được lưu hành trên thị trường phải được Sở Y tế cấp chứng chỉ và giấy phép lưu hành. Ngoài ra, trên sản phẩm thuốc phải có nhãn mác ghi nguồn gốc, liều dùng, thành phần… rõ ràng. Nếu người bệnh muốn sử dụng Đông dược, nên đến những cơ sở y tế uy tín đã được cấp phép để được khám, kê toa điều trị. Không nên tự ý mua và sử dụng các loại bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Văn Chính