Đó là mục tiêu mới của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), với mục tiêu ban hành tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc) với thuốc từ dược liệu ngay trong 2014 này, và tiến tới áp dụng quy định thực hành tốt nuôi trồng dược liệu (GACP) với 60 loại dược liệu vào năm 2020.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược tại Hội thảo vừa được tổ chức tại Quảng Ninh về quy hoạch vùng dược liệu, Bộ Y tế vừa hành thêm một số quy định để thuốc từ dược liệu có chất lượng tăng cơ hội trúng thầu vào bệnh viện. Theo đó, các thuốc dự thầu sản xuất từ nguyên liệu đạt GACP sẽ được cộng thêm 5 điểm, sản phẩm của nhà máy đạt GMP dược liệu cũng sẽ được cộng thêm 5 điểm khi xét thầu.
Một vùng trồng dược liệu ở Quảng Ninh
Cục Quản lý Dược cũng cho biết doanh thu nhóm thuốc từ dược liệu trong nước đã tăng vọt trong những năm gần đây. Theo đó, doanh thu năm 2012 đã tăng gần gấp đôi năm 2010, lên tới 3500 tỷ đồng. Trong đó, các dược liệu được dùng nhiều nhất là Atiso, Đinh lăng, Rau đắng đất, Bạch quả, Kim tiền thảo, Bách bộ, Diệp hạ châu, hy thiêm, Cát cánh, Ích mẫu, Sài hồ, Chè dây, Đảng sâm, Quả cúc gai, Cam thảo, Trần bì, Sinh địa, Húng chanh, Thảo quyết minh, Đương quy. Mỗi năm, VN cũng nhập hàng ngàn tấn Tần giao, Hoàng Cầm, ý dỹ, Ngưu tất, Xuyên khung, Bạch linh, Hoàng kỳ, Đỗ trọng, Đương quy, Đại táo… cho sản xuất thuốc trong nước.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng: “Việt Nam nếu phát triển thành công một số loài cây dược liệu, cho ra vài trăm sản phẩm chất lượng cao cũng đã đủ để giúp ngành Dược phát triển mạnh mẽ. Có thể nói dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai”.
Cũng theo Cục Quản lý Dược, phát triển thuốc từ Dược liệu là một trong những quan điểm chính trong chiến lược quốc gia phát triển ngành dược VN giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn đến 2030, bên cạnh mục tiêu tập trung sản xuất thuốc generic chất lượng tốt thay thế dần thuốc nhập khẩu, phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của VN trong sản xuất vắc xin (VN nằm trong nhóm không nhiều quốc gia trong khu vực tự sản xuất được vắc xin, riêng vắc xin ngừa tiêu chảy do rota virus thế giới chỉ có 5 quốc gia -bao gồm VN- đã nghiên cứu sản xuất thành công).
Trong đó, Bộ Y tế cho biết sẽ chú ý hướng đến nâng chất lượng thuốc từ dược liệu, bắt đầu từ tiêu chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào. Đến 2020, mục tiêu Bộ Y tế đặt ra là có 60 loại dược liệu được nuôi trồng theo tiêu chuẩn GACP, 2030 là 120 dược liệu. Các nhà máy sản xuất thuốc từ dược liệu cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn hóa nguyên liệu, với 80% dược liệu tiêu chuẩn hóa vào 2020 và 100% vào 2030. Đây chính là giải pháp để bảo đảm chất lượng nguyên liệu dược liệu và cũng là yêu cầu quan trọng với sản xuất thuốc từ dược liệu.