Tại phiên họp của Ủy ban TVQH chiều nay, 16/5, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn nói về giá thuốc khi đề cập tới dự án sửa đổi Luật dược.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ, Bộ Y tế chỉ kiểm soát an toàn hiệu quả, danh mục thuốc, cấp phép, đăng ký lưu hành, cho phép nhập khẩu, đánh giá thuốc giả thuốc chất lượng, phân phối, đấu thầu, kê toa… đây là một quy trình khép kín, như vậy thì rất khó để công khai minh bạch trong quản lý.
“Bộ Y tế chỉ quản lý về chuyên môn thôi, còn về vấn đề quản lý giá thì phải để Bộ Tài chính quản lý, chứ Bộ Y tế không đủ sức quản lý hết được. Chúng tôi muốn đổi mới công khai minh bạch để người dân có quyền lựa chọn các loại thuốc”, bà Tiến nói.
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế không quản lý giá thuốc. |
Đánh giá về quá trình thực hiện Luật dược thời gian qua, Bộ trưởng Tiến nêu ra nhiều vấn đề bất cập, nếu vẫn không được điều chỉnh thì không thể quản lý được giá thuốc:
Thứ nhất, Luật dược chỉ giao cho Bộ Y tế làm đầu mối mà không phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành trong quản lý giá thuốc hoặc thành lập một Hội đồng/Ủy ban liên ngành về quản lý giá thuốc làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, chưa bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động quản lý vì quản lý giá thuốc cần phối hợp đa ngành.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, chức năng quản lý điều hành giá thuốc thường không giao toàn bộ cho Bộ Y tế. Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý giá thuốc là Ủy ban phát triển và cải cách quốc gia (Vụ Quản lý giá), tại Thái Lan, Bộ Y tế quy định giá cụ thể một số loại thuốc, vắc xin chống dịch, còn Bộ Thương mại tiếp nhận báo cáo giá kê khai của các doanh nghiệp và giám sát giá thuốc chữa bệnh lưu hành trên thị trường.
Tại một số nước phát triển như Pháp và Ba Lan, chỉ quản lý giá thuốc trong danh mục bảo hiểm, bồi hoàn chi trả. Các thuốc ngoài danh mục này không quản lý giá. Việc xem xét giá do Hội đồng/Ủy ban gồm các thành phần: Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kinh tế, Bảo hiểm, luật sư, đại diện hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hội sản xuất dược, hội bác sĩ điều trị…, không phải do đơn vị cấp phép lưu hành thuốc quản lý.
|
Bộ trưởng Tiến nhận định, giá thuốc hiện vẫn còn cao và người dân không có quyền lựa chọn. |
Thứ hai, quy định việc kê khai và kê khai lại giá thuốc phải “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật dược quy định: “Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành liên quan công bố cụ thể danh sách các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự Việt Nam”.
Tuy nhiên, cho đến nay liên Bộ vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn nội dung này do khó khăn trong việc xác định điều kiện y tế, thương mại của các nước tương tự Việt Nam, đồng thời việc tham khảo giá thuốc tại các nước không có ý nghĩa đối với những mặt hàng cung ứng cho thị trường Việt Nam nhưng không bán tại các nước tham khảo.
Thứ ba, quy định “cơ quan nhà nước có thẩm quyền định kỳ công bố giá tối đa đối với các loại thuốc do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả” (điểm d khoản 2 Điều 5) chưa thực hiện được do số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với trên 1.500 hoạt chất. Mỗi hoạt chất có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau nên việc xác định mức giá tối đa cho tất cả các mặt hàng nêu trên là không khả thi. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng gặp khó khăn trong việc xác định cơ sở xây dựng giá tối đa vì nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc thấp nhất thì sẽ không bảo đảm có đủ thuốc cung ứng nhưng nếu công bố giá tối đa theo giá mặt hàng thuốc cao nhất thì giá thuốc sẽ tăng theo.