Trang chủ » Thông tin » Thông tin trong ngành » Bình ổn giá thuốc: Quyền lực ở toa của bác sĩ

Bình ổn giá thuốc: Quyền lực ở toa của bác sĩ

Hầu hết các bác sĩ đều có sự “cộng tác” chặt chẽ với các trình dược viên của các hãng dược, chính vì thế khi kê đơn họ thường sử dụng thuốc trong danh mục thuốc “hợp tác” để được chiết khấu phần trăm. Ngay cả cửa hàng thuốc nhiều khi bác sĩ cũng chỉ định luôn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định, 12 DN dược phẩm tham gia bình ổn giá thuốc năm 2014 là những đơn vị lớn, có năng lực trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được số lượng thuốc lớn theo nhu cầu chương trình đến Tết Nguyên đán 2015, mạng lưới phân phối thuốc rộng khắp trên địa bàn thành phố…

Chương trình bình ổn giá thuốc ghi nhận nhiều ý kiến của người tiêu dùng về việc không tận dụng được giá thuốc rẻ

Quá trình triển khai bình ổn giá thuốc, các sở ngành chức năng cũng như chính quyền các cấp kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng thuốc phục vụ bình ổn thị trường, kiểm tra giá thuốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định…

Chương trình bình ổn giá thuốc của TP. Hồ Chí Minh năm nay gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được triển khai mạnh mẽ. Lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao.

Giá bán của các nhóm thuốc bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất từ 5-10%. Với 12 DN dược tham gia, chương trình được tiến hành tại 2.800 điểm bán và 100% nhà thuốc tại các bệnh viện. Thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường thành phố gồm 21 nhóm sản phẩm, 500 mặt hàng sản xuất trong nước. Số lượng thuốc bình ổn thị trường chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm.

Tuy nhiên, quan sát thị trường thuốc tại TP. Hồ Chí Minh thời điểm hiện tại cho thấy, một số bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Từ Dũ, Nhân dân Gia Định và hệ thống nhà thuốc của CTCP Dược phẩm ECO, Công ty Roussel Việt Nam… có quảng bá và treo bảng bán thuốc bình ổn giá. Ngoài thị trường, hầu như rất hiếm khi gặp hiệu thuốc có treo bảng bán thuốc bình ổn giá.

Việc bán thuốc bình ổn giá dường như được các nhà thuốc cảm nhận không hiệu quả. Như dược sĩ Nguyễn Khánh Toàn (hiệu thuốc Toàn Phương trên đường Cách mạng tháng 8, quận 10) cho hay, hầu hết các toa thuốc do bác sĩ kê đơn đều không có thuốc nội trong danh mục bán giá bình ổn.

Dù nhà thuốc giải thích thuốc Việt Nam cùng hoạt chất, hàm lượng và hiệu quả điều trị như nhau, giá bán rẻ hơn 5-15%, nhưng cũng chỉ có một số người mua. Hầu hết khách hàng đều chọn mua thuốc ngoại đúng theo toa do bác sĩ kê bởi có suy nghĩ hàng ngoại tốt hơn hàng nội, hoặc tuân thủ đúng yêu cầu của bác sĩ cho an toàn…

Theo một chủ nhà thuốc khác thừa nhận, hầu hết các bác sĩ đều có sự “cộng tác” chặt chẽ với các trình dược viên của các hãng dược, chính vì thế khi kê đơn họ thường sử dụng thuốc trong danh mục thuốc “hợp tác” để được chiết khấu phần trăm.

Ngay cả cửa hàng thuốc nhiều khi bác sĩ cũng chỉ định luôn cũng vì sự “cộng tác” chia phần như thế. Đây chính là một trong những rào cản đối với việc triển khai bán thuốc bình ổn giá, khi tâm lý thông thường hầu hết bệnh nhân chỉ tin vào bác sĩ.

Phía cơ quan quản lý ngành, TS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, quá trình thực hiện Chương trình bình ổn giá thuốc 2 năm qua trên địa bàn ghi nhận nhiều ý kiến của người tiêu dùng về việc không tận dụng được giá thuốc rẻ bởi các lý do như: thuốc uống theo toa của bác sĩ (rất ít toa kê thuốc nội), không biết địa chỉ nhà thuốc bình ổn giá, hay cũng có nhà thuốc treo bảng bình ổn giá (nhất là khu vực quận ven hay huyện ngoại thành, là những nơi bán thuốc sản xuất trong nước nhiều) lại bán thuốc ngoại vì thuốc bình ổn giá… hết hàng.

Và đó là một bất hợp lý trong tình hình phát triển ngành dược Việt Nam hiện nay. Bà Lương Thị Hương Giang, Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO cho biết, hiện các DN dược phẩm trong nước rất có tiềm lực. Việc đầu tư trang thiết bị, máy móc công nghệ được chú trọng rất nhiều mang đến kết quả là chất lượng nhiều loại thuốc nội còn vượt trội so với thuốc cùng loại nhập khẩu.

Cụ thể, trong 130 sản phẩm thuốc của DOMESCO tham gia bình ổn thị trường có trên 50% là thuốc trị các bệnh thường gặp ở người, nhu cầu sử dụng nhiều và chất lượng không thua kém hàng nhập cùng loại.

Nguyên nhân do dược phẩm là một loại sản phẩm đặc thù, không thể tiêu dùng đại trà như những loại hàng hóa thông dụng khác, nên việc chọn mua hay tiêu thụ còn phụ thuộc nhiều vào bác sĩ điều trị. Vì vậy, không khó hiểu khi người tiêu dùng muốn chọn đúng theo toa và thuốc bình ổn giá vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận với người bệnh.

Dù vậy, tính tích cực của Chương trình bình ổn giá thuốc tại TP. Hồ Chí Minh là đang góp phần kéo giảm giá thuốc thị trường xuống mức hợp lý.

Những hạn chế này đang được ngành y tế và ban ngành liên quan phối hợp giải quyết. Phía ngành y tế hiện đã tổ chức thực hiện được 100% nhà thuốc bệnh viện trên địa bàn thành phố tham gia Chương trình bình ổn giá thuốc.

Đến nay, Sở Y tế thành phố đã đẩy mạnh kế hoạch thông tin, tuyên truyền về chương trình đến các tầng lớp nhân dân, phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về chương trình bình ổn giá thuốc…


(Theo: Thời báo Ngân hàng)

Nhận xét sản phẩm: "Bình ổn giá thuốc: Quyền lực ở toa của bác sĩ"