Đề xuất mới từ chính phủ sẽ mở rộng hạn chế với giá của tất cả các loại thuốc, ngoại trừ thuốc gốc, áp dụng cho những loại biệt dược đầu tiên được cấp bằng sáng chế. Đây là một thách thức lớn cho các công ty dược, từ lâu đã đứng ngồi không yên vì cho rằng Ấn Độ không đủ nỗ lực để bảo vệ tài sản trí tuệ của họ.
Theo ông D.S. Kalha, thư ký Cục Dược phẩm Ấn Độ “Hầu hết các nước đều đi theo một số hình thức kiểm soát giá nhất định. Chúng tôi cần phải đảm bảo rằng các loại thuốc đắt tiền đã được nghiên cứu sẽ có mức giá phải chăng cho người nghèo”.
Kế hoạch kiểm soát giá thuốc lần này được đưa ra sau khi tập đoàn Bayer AG BAYN.XE được văn phòng cấp bằng sáng chế của Ấn Độ yêu cầu cấp giấy phép cho một công ty thuốc gốc của Ấn Độ để sản xuất thuốc Nexavar, một loại thuốc điều trị ung thư được cấp bằng sáng chế của Bayer, với chi phí thấp hơn.
Ấn Độ đang định giá cho 74 loại thuốc gốc và xem xét tăng số lượng các loại thuốc được chính phủ đảm bảo giá trần. Chính phủ nước này cho rằng giá thuốc cứu người không nên do các lực lượng thị trường thao túng mà thay vào đó là những quy định cụ thể từ phía nhà nước. Người dân Ấn Độ phải trả gần 70% chi phí chăm sóc sức khỏe vì rất ít người có bảo hiểm và hầu hết các chi tiêu lại là để mua thuốc.
Tuy nhiên, bất kỳ cố gắng nhằm hạn chế giá các loại thuốc được cấp bằng sáng chế có thể sẽ làm nản lòng các công ty dược phẩm nước ngoài. Bảo vệ sản phẩm được cấp bằng sáng chế là rất quan trọng để thúc đẩy đổi mới, do đó, “bất kỳ kiểm soát giá cả nào trong khu vực này cũng sẽ bóp nghẹt nghiên cứu và phát triển các sáng chế nghiêm túc, gây ảnh hưởng xấu đến lợi ích lâu dài của bệnh nhân”, ông Tapan Ray, tổng giám đốc tổ chức các nhà sản xuất dược phẩm Ấn Độ, một nhóm thương mại đại diện cho các công ty dược đa quốc gia cho biết.
Ấn Độ đã bắt đầu công nhận bằng sáng chế về các sản phẩm dược phẩm từ năm 2005, bằng sáng chế trước đây về mặt pháp lý chỉ bảo vệ quá trình sản xuất. Đến năm 2007, đất nước có 1,2 tỉ người thành lập một ủy ban liên ngành thuộc chính phủ để xem xét làm thế nào định giá các loại thuốc được cấp bằng sáng chế. Nhóm này đã hoàn thành các cuộc thảo luận rộng rãi và Cục dược phẩm dự kiến sẽ phát hành một báo cáo trong vài tuần tới để thu thập thông tin phản hồi từ công chúng. Đầu vào sẽ được xem xét khi quy định chính thức được soạn thảo và đưa ra trình trước Quốc hội.
Công ty tư vấn Ernst & Young và Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ cho biết giá các loại thuốc được cấp bằng sáng chế cần phải căn cứ vào sức mua của một nước và mức thu nhập bình quân đầu người của người dân.
Thuốc gốc thường được sản xuất bởi các công ty dược nhỏ, không đầu tư vào nghiên cứu và phát triển thuốc mới do việc nghiên cứu thuốc mới rất tốn kém nên thường được tiến hành bởi các công ty dược lớn và được bán với giá cao trong thời gian bằng sáng chế chưa hết hạn để bù đắp chi phí. Các nhà sản xuất thuốc gốc không phải trang trải chi phí này nên giá thường rẻ hơn nhiều so với biệt dược đầu tiên. Thuốc gốc có thể được sản xuất hợp pháp khi bằng sáng chế đã hết hạn; công ty thuốc gốc xác nhận bằng phát minh của công ty biệt dược không hợp pháp, không có giá trị cưỡng chế hoặc không bị xâm phạm; thuốc không được giữ bằng sáng chế, hoặc ở những nước bằng sáng chế không có hiệu lực.
AloBacsi.vn
Theo Khả Anh – SGTT