Đến nay khoa học mới biết đến hơn 200 loại ung thư mà con người có thể mắc. Đối với bệnh này, khi người bệnh thấy đau đã là giai đoạn muộn – khi đó điều trị tốn kém, ít hiệu quả; chủ yếu có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng đau.
1. Ung thư dạ dày
Đây là loại ung thư khó sàng lọc phát hiện sớm. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao như tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn… điều trị nội khoa không khỏi thì cần soi dạ dày để phát hiện ung thư.
2. Ung thư gan
Chiến lược phòng ung thư gan là tiêm văcxin phòng bệnh viêm gan B, hạn chế uống rượu. Nhưng người có nguy cơ cao gồm có tiền sử viêm gan B, xơ gan, nghiện rượu, nhiễm chất độc dioxin cần siêu âm gan và xét nghiệm máu định lượng chất chỉ điểm khối u (AFP) định kỳ 3-6 tháng một lần để phát hiện bệnh ung thư gan sớm.
3. Ung thư phổi
Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc lào. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc) có thể làm các xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khối u (CEA, cifra 21-1, SCC…) và chụp X-quang phổi hàng năm.
4. Ung thư buồng trứng
Trong nhiều trường hợp, người phụ nữ không hề có biểu hiện bệnh cho đến khi bệnh phát triển ở giai đoạn muộn. Các chuyên gia đang thử nghiệm đo nồng độ chất CA-125 ở trong máu, chất này thường tăng cao ở những bệnh nhân ung thư buồng trứng.
5. Ung thư xương
Trẻ sau 12 tuổi có chiều cao phát triển nhanh hơn trẻ cùng độ tuổi cần được quan tâm nếu trẻ có triệu chứng đau vô cớ trong xương. Khởi đầu, cơn đau thường mơ hồ nhưng sau đó rõ từng đợt ngắn trong xương, rất khó chịu. Đau thường xuất hiện ở đầu trên hoặc đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu trên xương cánh tay, xương chậu và xương bả vai.
Khi có các dấu hiệu trên không có nghĩa là bạn đã mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ một trong các dấu hiệu đó bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo: VnExpress